Sự kiện

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Hội thảo khoa học “Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới”

  • Ngày 02/07/2024
  • Hit 141
  • Tác giả iwep

Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới”

Ngày 28 tháng 06 năm 2024, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã tổ chức Hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới” tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và các chuyên gia tới từ Trung tâm Năng lượng Tái tạo và Cơ chế Phát triển sạch (Bộ Công thương), Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải Đảo (Bộ Tài Nguyên Môi trường), Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và toàn thể cán bộ của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Picture2

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo là thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, qua đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng như chiến lược tăng trưởng xanh và trung hòa năng lượng của đất nước.

Picture1

Trong số nhiều bài viết gửi tới Hội thảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn năm báo cáo tham luận trình bày tại Hội thảo. Báo cáo “Phát triển năng lượng tái tạo ở một số nước Châu Á và hàm ý cho Việt Nam” của TS. Nguyễn Linh Đan đã trình bày những chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở các nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Bangladesh, nêu bật các chính sách và phương thức quản lý mà các nước này đã áp dụng thành công, đồng thời đưa ra những hàm ý và khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam. Báo cáo “Huy động tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo: Trường hợp của Đức và Ấn Độ” của ThS. Hoàng Thị Hồng Minh đã chia sẻ về các phương thức huy động tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo ở Đức và Ấn Độ như đa dạng hóa các hình thức đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng cơ chế giám sát, báo cáo… từ đó đưa ra những gợi ý cho việc huy động tài chính hiệu quả tại Việt Nam. Tham luận “Phát triển năng lượng tái tạo và xung đột” của TS. Võ Thị Minh Lệ đã làm rõ những rủi ro xung đột có thể phát sinh từ các dự án phát triển năng lượng tái tạo và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý xung đột trong phát triển năng lượng tái tạo. Báo cáo “Vai trò của năng lượng tái tạo trong Chuyển đổi kép “Xanh & Số” để doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh thương mại và thực hiện lộ trình cam kết NetZero” của ông Vũ Tiến Dũng giới thiệu các giải pháp công nghệ và kinh doanh để doanh nghiệp thực hiện lộ trình cam kết NetZero, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh. Cuối cùng, báo cáo “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” của TS. Dư Văn Toán đã phân tích tiềm năng, cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp và chính sách cụ thể để thúc đẩy quá trình này.

Picture3

Phiên thảo luận cũng diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, trong đó tập trung xoay quanh những đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng tái tạo có hiệu quả. Những giải pháp, kiến nghị được đề xuất như chính phủ cần tạo cơ chế cùng có lợi “win-win” cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân; xây dựng danh mục năng lượng tái tạo cho các địa phương và trao quyền cho địa phương; hoàn thiện hệ sinh thái phát triển năng lượng tái tạo (thể chế, chính sách, nguồn lực, chủ thể, công nghệ…), đề xuất lộ trình và xác định các ưu tiên trong từng giai đoạn phát triển năng lượng tái tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh lưu trữ năng lượng trong các dự án năng lượng tái tạo.

Phát biểu bế mạc, Chủ tọa Hội thảo chân thành cảm ơn tất cả các đại biểu đã tham dự và đóng góp vào thành công của hội thảo. Những kinh nghiệm và khuyến nghị được chia sẻ tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý báu cho việc xây dựng các báo cáo tư vấn chính sách phục vụ cho chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong tương lai.

 

 

 

Thùy Tiên

File