Đề tài cấp bộ ” Xu hướng liên kết, liên minh chính trị – an ninh trên thế giới từ sau 2009 đến 2030 và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Thực hiện: 2017-2018
Chủ nhiệm: NCVC Phạm Hồng Tiến
Cơ quan chủ trì: Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới
Kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008/09 – cuộc khủng hoảng chính thức đặt dấu chấm hết cho trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ và đồng minh phương Tây có được trong hơn một thập kỷ sau Chiến tranh lạnh – bên cạnh nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đang còn phải đối mặt với sự gia tăng của những thách thức an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vượt quá khuôn khổ và năng lực giải quyết của bất kỳ quốc gia nào. Điều đó làm nảy sinh nhu cầu phải thiết lập cơ chế quản lý an ninh chung trên phạm vi toàn cầu. Nhưng đây lại là một vấn đề khó có thể giải quyết ngay, vì thế buộc các quốc gia, khu vực, liên khu vực có nhu cầu tương đồng trong việc bảo đảm chính trị – an ninh, phải tìm đến nhau, hợp lực với nhau để cùng nhau giải quyết những vấn đề chung đó.
Việt Nam với vị trí địa chiến lược của mình đang ở trung tâm của những trào lưu chung của thế giới. Việc thực hiện phương châm đối ngoại “đa phương và đa đạng”, cùng chính sách “ba không, một có” trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, không đủ để đảm bảo Việt Nam thoát khỏi sự co kéo bởi các cực quyền lực đối chọi nhau trong khu vực, đe dọa sự ổn định chính trị – an ninh và tính toàn vẹn của chủ quyền quốc gia. Do đó, việc xác định vị trí và vị thế là hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tiến trình hội nhập đang ngày càng gắn kết Việt Nam với khu vực và thế giới, làm nảy sinh nhu cầu cần những động năng mang tính bước ngoặc từ chính sách đối ngoại, để hỗ trợ cho tiến trình cải cách trong nước và tương lai phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta.
Đề tài bao gồm 3 phần chính:
1. Cơ sở thực tiễn và lý thuyết của vấn đề liên minh, liên kết chính trị – an ninh trên thế giới
2. Các xu thế liên minh, liên kết trên thế giới từ sau 2009 đến nay và mục tiêu hướng đến của các liên minh liên kết này
3. Xu hướng liên minh, liên kết tới 2030 và lựa chọn chiến lược đối ngoại của Việt Nam