Sự kiện

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Hội thảo khoa học “NATO trong thời kỳ cạnh tranh của các cường quốc”

  • Ngày 06/09/2024
  • Hit 127
  • Tác giả iwep

Ngày 30 tháng 8 năm 2024, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã tổ chức Hội thảo “NATO trong thời kỳ cạnh tranh của các cường quốc” tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học đến từ Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Kinh tế  châu Á – Thái Bình Dương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Huế, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Nghiên cứu Trung Quốc cùng toàn thể cán bộ Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Ảnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới khẳng định kể từ khi thành lập năm 1949 đến nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới, ảnh hưởng trên nhiều phương diện chính trị, quân sự và an ninh quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh cường quốc, NATO đã sớm điều chỉnh, mở rộng chiến lược của mình những năm gần đây để phản ứng với những thách thức về an ninh ngày càng đa dạng, phức tạp. Do đó, mục tiêu Hội thảo hướng tới việc nhận diện xu hướng phát triển của NATO cũng như sự can thiệp của tổ chức này trong các vấn đề xung đột quốc tế, cùng với đó, đánh giá vai trò của Mỹ trong việc mở rộng của NATO và phản ứng của các quốc gia phía Đông châu Âu trước sự mở rộng này, qua đó, đưa ra một vài hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Mạnh, Viện Nghiên cứu châu Mỹ đã phân tích mục tiêu của việc mở rộng NATO dựa trên quan điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ngoài những lợi ích mang lại, việc mở rộng NATO cũng đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho an ninh Mỹ. Vì thế, Mỹ phải cân nhắc chiến lược và chính sách điều tiết của mình trong NATO.

Trên cơ sở lịch sử hình thành NATO và lợi ích của các bên liên quan, ThS. Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng, trong tương lai, bất chấp những khó khăn về chi phí tài chính, và sự thiếu đồng nhất về hướng đi giữa các thành viên, NATO vẫn sẽ phát triển gắn với lợi ích của Hoa Kỳ.

Còn theo TS. Nguyễn Tuấn Bình, Đại học Huế, sự can dự của NATO trong cuộc khủng hoảng Ukraine phản ánh sự chuyển đổi chiến lược quan trọng của tổ chức này sau Chiến tranh Lạnh và việc xem xét các yếu tố địa chính trị trong lý giải các vấn đề quốc tế là hết sức cần thiết.

TS. Trần Thị Hải Yến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đã phân tích quan điểm của NATO về Trung Quốc và quan điểm của Trung Quốc về NATO trước sự can dự ngày càng rõ nét của tổ chức này ở khu vực châu Á; Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc trước những hành động được cho là mở rộng ảnh hưởng của NATO tại châu Á.

TS. Phan Cao Nhật Anh, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, đã nêu lên những điểm mới trong quan hệ hợp tác giữa NATO và Nhật Bản và nhận định trong tương lai, hợp tác hai bên sẽ có những phát triển ở một vài lĩnh vực dựa trên một quá trình lâu dài.

Qua thảo luận, trao đổi, các ý kiến của các nhà khoa học đã nhận định triển vọng phát triển của NATO về không gian, cũng như tầm ảnh hưởng của tổ chức này tại các khu vực trên thế giới. Đặc biệt, Hội thảo bàn luận sôi nổi về các yếu tố cạnh tranh nước lớn cũng như xác định lợi ích cốt lõi của Mỹ và các thành viên trong NATO. Quan trọng hơn, Việt Nam cần chuẩn bị năng lực ứng phó với các rủi ro trước sự mở rộng của NATO, sớm xây dựng đối sách để đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Kết thúc Hội thảo, thay mặt Ban Lãnh đạo Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, TS. Phí Vĩnh Tường gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các các diễn giả và các đại biểu đã tham dự. Các ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở để Viện xây dựng báo cáo tư vấn về các vấn đề liên quan.

Bùi Thị Thuý Nga

File