Hội thảo khoa học: “Cạnh tranh nước lớn ở khu vực Đông Á”
Ngày 31 tháng 7 năm 2024, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã tổ chức Hội thảo “Cạnh tranh nước lớn ở khu vực Đông Á” tại Hội trường Tầng 1, Toà nhà 176 Thái Hà, Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học và các chuyên gia tới từ Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại Giao; Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi; Viện Nghiên cứu Châu Âu; Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Đại học Đông Á, TP. Đà Nẵng cùng toàn thể cán bộ của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhấn mạnh hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý trao đổi và học tập, chia sẻ kết quả nghiên cứu về vấn đề cạnh tranh nước lớn khu vực Đông Á, qua đó nhận diện tình hình, dự báo triển vọng và gợi ý chính sách cho Việt Nam.
TS.Phí Vĩnh Tường phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong báo cáo “Nhận diện kiến trúc an ninh Đông Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tới 2030”, TS. Nguyễn Đình Luân – Nguyên Thư ký HĐKH, Bộ Ngoại giao cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tới 2030 tiếp tục căng thẳng, làm cho các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực Đông Á thêm phức tạp và kịch tính. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giữa hai cường quốc này ở khu vực đang làm suy giảm vai trò của các cơ chế an ninh hợp tác đa phương cũng như vị thế trung tâm của ASEAN. Hệ quả là Đông Á tiếp tục bị bị đứt gãy lớn về địa – chính trị, an ninh, kinh tế và bị lâm vào trạng thái “Hòa bình nóng” và “Phát triển lạnh”.
TS. Hoàng Thế Anh – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới trong báo cáo “Cạnh tranh Trung – Mỹ ở Đông Á” cho rằng khu vực Đông Á là địa bàn trọng yếu trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh này thể hiện thông qua biểu hiện ở việc Trung Quốc và Mỹ đưa ra các sáng kiến nhằm tập hợp lực lượng trên toàn cầu và khu vực; cạnh tranh về kinh tế, an ninh, triển khai các hoạt động trên thực địa chủ yếu là biển Hoa Đông, Biển Đông và cạnh tranh về sức mạnh mềm.
TS. Phan Cao Nhật Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi đã đưa đến hội thảo tham luận “Cạnh tranh Mỹ – Trung và chiến lược của Hàn Quốc”. Theo đó, TS cho rằng Hàn Quốc tiếp tục xây dựng, duy trì mối quan hệ thuận lợi với cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. An ninh và thịnh vượng kinh tế dựa vào quan hệ với Mỹ. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng, liên quan chặt chẽ đến Triều Tiên.
Trong báo cáo “Đông Á trong tính toán chiến lược của Nga hiện nay” của TS. Vũ Thuỵ Trang, Giám đốc Trung tâm N/C Nga và SNG – Viện Nghiên cứu Châu Âu đã đưa ra cách tiếp cận của Nga đối với khu vực Đông Á trước và sau năm 2022. Sự thay đổi này do những lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga, khủng hoảng địa chính trị và cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung tác động đa chiều đến khu vực. Trong thời gian tới Nga hướng tới hợp tác đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc, Triều tiên nhưng không hình thành liên minh.
TS. Phí Hồng Minh – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á với tham luận “Chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Đông Á trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn” cho rằng sự thay đổi môi trường an ninh khu vực và quốc tế đã tác động đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản với 3 văn bản quan trọng ban hành năm 2022 gồm: Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược phòng thủ quốc gia và Chương trình xây dựng quốc phòng. Bên cạnh đó chính sách của Nhật Bản với Đông Á cũng có những thay đổi quan trọng, tiêu biểu Nhật Bản thay đổi từ ưu tiên kinh tế sang xem trọng vấn đề an ninh.
Vị trí, vai trò của Việt Nam trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ trước thách thức từ Trung Quốc được PGS.TS. Trần Xuân Hiệp – Đại học Đông Á, TP. Đà Nẵng đề cập trong báo cáo “Vị trí, vai trò của Việt Nam trong chiến lược cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á”. Theo đó, PGS.TS. Trần Xuân Hiệp cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại linh hoạt nhằm thích ứng với bối cảnh quan hệ cạnh tranh Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng phức tạp.
Một số hình ảnh của Hội thảo.
Phiên thảo luận cũng diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, trong đó các ý kiến đều thống nhất rằng thế giới hiện đang đối diện với nhiều thách thức chưa từng có, những thách thức ấy gồm biến đổi khí hậu, cạnh trạnh giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên môi trường. Trong thời gian tới cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn rất căng thẳng và gay gắt. Dù vậy, trong thách thức cũng có các cơ hội cho sự phát triển về kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi Việt Nam nên ứng xử như thế nào trong quan hệ với các nước để vừa thu được lợi ích cho phát triển kinh tế và vừa đảm bảo được an ninh quốc gia.
Hội thảo đã đưa ra những ý kiến đa chiều về bức tranh tổng thể cạnh tranh các nước lớn ở khu vực Đông Á. Chính sách ứng phó của Việt Nam là trung lập về chính trị, an ninh và hợp tác về kinh tế và không chọn bên vẫn là biện pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới chính sách Việt Nam có thay đổi hay không là phụ thuộc vào sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn.
Cuối cùng, TS. Hoàng Thế Anh thay mặt Lãnh đạo đạo Viện Kinh tế và Chính trị thế giới gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Hội thảo, đồng thời hy vọng rằng, trong thời gian tới, Viện kinh tế và Chính trị thế giới tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia và nhà khoa học.
Trần Thị Việt Hà