Ngày 25/3/2025, tại Bắc Giang, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bắc Giang 2025-2030: Đột phá để vươn mình, phát triển”.
Tham dự Hội thảo về phía tỉnh Bắc Giang có lãnh đạo các sở, ngành: Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; các sở ngành của tỉnh như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Liên minh Hợp tác xã, …
Về phía đại biểu các chuyên gia có sự tham dự của: GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS. TS. Đoàn Văn Hậu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về phía Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang có TS. Ngô Chí Vinh, Chủ tịch, các Phó chủ tịch cùng các đại diện của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang.
Về phía Viện Kinh tế và Chính trị thế giới có: TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.
Đến dự và đưa tin về Hội thảo có các phóng viên cơ quan báo chí, truyền hình của tỉnh Bắc Giang.
Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp hội KHKT tỉnh Bắc Giang phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Chí Vinh, nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đại biểu và cho biết trong những năm qua, Bắc Giang, với vị trí chiến lược nằm trong hành lang phát triển Hà Nội – Lạng Sơn – Quảng Ninh và thuộc vùng lân cận Thủ đô, đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những cực tăng trưởng hàng đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình giai đoạn 2011–2023 đạt 12,1%, thuộc nhóm cao nhất nước. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, Bắc Giang đang đối mặt với hàng loạt thách thức mới, điển hình là: Chất lượng tăng trưởng chưa theo kịp quy mô tăng trưởng; Lệ thuộc vào FDI, thiếu tính kết nối giữa khu vực kinh tế tư nhân địa phương với FDI; Chậm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ và lao động chất lượng cao. Do đó, Bắc Giang cần chọn một lộ trình phát triển không bị “kẹt giữa” trong chuỗi giá trị toàn cầu, tránh trở thành nơi lắp ráp đơn thuần, gia công giá rẻ, đồng thời chủ động xây dựng vị thế riêng trong chuỗi cung ứng mới.
Phí Vĩnh Tường và TS. Ngô Chí Vinh đồng chủ trì Hội thảo
Hội thảo đã nghe các tham luận từ phía địa phương và các chuyên gia, các ý kiến thảo luận xoay quanh một số chủ đề như: Định vị Bắc Giang trong giai đoạn mới, hiện trạng và tính khả thi của các mục tiêu phát triển mà Bắc Giang hiện đang theo đuổi, những thách thức thực hiện thành công mục tiêu phát triển trong những năm tới đây; Nhận diện vấn đề của các động lực tăng trưởng hiện hữu và rủi ro phát triển, nhận diện các động lực tăng trưởng mới, và cách thức để các động lực tăng trưởng phát huy vai trò đối với tăng trưởng của tỉnh Bắc Giang; các giải pháp đột phá phát triển cho tỉnh, nhất là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội thảo, TS. Phí Vĩnh Tường khẳng định, Hội thảo đã đạt được các mục tiêu đề ra là: nhận diện những động lực tăng trưởng mới, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và thúc đẩy tỉnh Bắc Giang trở thành một trung tâm kinh tế năng động trong khu vực. Trong đó, nhấn mạnh: Bắc Giang cần có lộ trình để tiếp tục phát huy vai trò của các động lực tăng trưởng hiện hữu (FDI), xác định các ngành động lực tăng trưởng (công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch…) trong quá trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Qua buổi Hội thảo này, TS. Phí Vĩnh Tường cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các chuyên gia, các đại biểu đã nhiệt thành đóng góp ý kiến tại Hội thảo. Đây là cơ sở để Ban tổ chức hội thảo hoàn thiện các nội dung kiến nghị chính sách đến lãnh đạo Tỉnh.
Thực hiện: N.T.Hiền