Hội thảo quốc tế “Phát triển vùng Mekong trong bối cảnh ASEAN năng động”
Tham dự hội thảo, có GS. Trần Văn Thọ – Trường Đại học Waseda, Nhật Bản; PGS.TS. Chu Đức Dũng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; PGS.TSKH. Võ Đại Lược – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng.
Thay mặt Đại học Waseda, GS. Trần Văn Thọ phát biểu đề dẫn hội thảo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những nghiên cứu về GMS và giới thiệu tới các đại biểu các lĩnh vực trọng tâm sẽ được thảo luận trong hội thảo.
Hội thảo được chia thành 3 phiên làm việc chính. Tại mỗi phiên, các chuyên gia và học giả lần lượt trình bày, phản biện và thảo luận chuyên sâu theo các chủ đề chính: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, công nghiệp hóa và sự phát triển của các nước trong khu vực sông Mê Kông; hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong khu vực sông Mê Kông; tương tác kinh tế trong khu vực sông Mê Kông.
Xuyên suốt buổi hội thảo, các chuyên gia và học giả đã trình bày cô đọng và súc tích nhất các nghiên cứu xoay quanh các vấn đề kinh tế của các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông với trọng tâm đặc biệt vào các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Đáng chú ý là các tham luận của TS. Ryo Ikebe về “Những thay đổi trong cấu trúc thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước khu vực sông Mê Kông: Việt Nam mở rộng đầu tư sang các nước láng giềng.” Nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam coi Lào và Campuchia là địa điểm đầu tư chủ yếu với 42% tổng FDI của Việt Nam đầu tư vào hai nước này. Nghiên cứu của TS. Kunichika Matsumoto đề cập đến vấn đề “Dòng dịch chuyển lao động từ các nước CLM đến Thái Lan và tác động của nó đối với nền kinh tế các nước CLM”. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy 5-20% dân số các nước CLM làm lao động phổ thông tại nước ngoài. Con số này đang có xu hướng tăng lên.
Tại hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, TS. Nguyễn Anh Thu đã trình bày nghiên cứu về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Myanmar. Nghiên cứu đã nêu bật những biến động trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước CLM trong khu vực Asean phát triển năng động đồng thời đưa ra những hàm ý nhằm nâng cao hiệu quả thương mại và đầu tư giữa các nước này.
Bên cạnh các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, các nghiên cứu trình bày tại hội thảo còn nhận được sự các bình luận tâm huyết của các học giả và đại biểu tham dự. Những vấn đề về động lực thúc đẩy sự liên kết nội khối giữa các nước CLMV, vai trò của Nhật Bản trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực GMS được các đại biểu quan tâm.
Hội thảo “Phát triển vùng Mekong trong bổi cảnh ASEAN năng động” là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, giao lưu, qua đó đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong khu vực đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh ĐHQGHN nói chung và ĐHKT nói riêng như là một điểm đến của tri thức thế giới, giúp Trường thực hiện mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu tiến tới tiệm cận đẳng cấp quốc tế.