Tháng 11/2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 23 đã nhất trí lấy năm 2021 là “Năm Hợp tác Phát triển Bền vững ASEAN – Trung Quốc”, đồng thời thông qua Khung Chiến lược và Kế hoạch Hành động Hợp tác Môi trường ASEAN – Trung Quốc (2021 – 2025). Phát triển xanh và bền vững sẽ trở thành một trong những trọng tâm của hợp tác ASEAN – Trung Quốc. Theo đó, các giải pháp thuận thiên (Nature – based solutions – NbS) nhằm bảo vệ, quản lý và khôi phục bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết hiệu quả và thích ứng các thách thức xã hội đang và sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
Ngày 16/07/2021, Trung tâm Hợp tác Môi trường Trung Quốc – ASEAN (CAEC) và Trung tâm Hợp tác Môi trường Nước ngoài (FECO) thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác ASEAN – Trung Quốc về các giải pháp thuận thiên đối với những vấn đề môi trường” dưới hình thức trực tuyến. Hội thảo quy tụ các đại biểu tới từ Trung Quốc và các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Mục đích của Hội thảo là mở ra một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, đánh giá chính sách giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát rác thải đại dương, xây dựng thành phố thân thiện với môi trường và đặc biệt tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực, nâng cao nhận thức quản lý của các quốc gia.
Về phía Việt Nam, TS. Võ Thị Minh Lệ, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã tham dự Hội thảo và có bài trình bày về chủ đề “Các giải pháp thuận thiên để thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm và phân tích một số giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tích hợp (mô hình lúa – tôm, lúa – sen…) và xây dựng cơ sở hạ tầng tự nhiên để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, TS.Võ Thị Minh Lệ đưa ra một số đề xuất cho hợp tác Trung Quốc – ASEAN trong việc triển khai các giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc có thể chia sẻ các mô hình thích ứng thành công, hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính – kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công trong việc quản lý nguồn nước…
Hội thảo đã thống nhất một quan điểm chung đó là các quốc gia cần ưu tiên các giải pháp thuận thiên để thích ứng với biến đổi khí hậu – một phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường. Đặc biệt, các quốc gia có thể kêu gọi sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và các cơ chế hợp tác mới, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… trong việc tăng cường quản lý và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp và mở ra cơ hội kết nối giữa các chuyên gia và nhà khoa học, trở thành một diễn đàn trao đổi học thuật về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.