Chủ nhiệm : TS. Nguyễn Hồng Nhung
“Kinh tế và Chính trị Thế giới năm 2009 và triển vọng 2010: Những vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, mã số CT – 09 – 25 – 08 là nhiệm vụ nghiên cứu cấp bộ thuộc Chương trình khoa học cấp bộ « Kinh tế và Chính trị Thế giới : Những vấn đề nổi bật, xu hướng cơ bản và tác động chủ yếu » do Viện Khoa học Xã hội Việt nam giao Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thực hiện năm 2009.
Mục đích nghiên cứu của đề tài là cung cấp một cách hệ thống các thông tin đã được phân tích chuyên sâu về kinh tế và chính trị thế giới 2009, dự báo tình hình kinh tế và chính trị thế giới năm 2010 dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đánh giá những tác động có thể có của tình hình kinh tế và chính trị thế giới đến Việt Nam và đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Để đạt được những mục đích đề ra, việc nghiên cứu được tiếp cận từ tổng thể đến chi tiết hơn. Cụ thể là sau khi mô tả về một bức tranh chung về thực trạng phát triển của nền kinh tế và chính trị thế giới năm 2009, báo cáo sẽ đề cập đến vấn đề nổi bật trong nền kinh tế và chính trị thế giới của năm 2009. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính ban đầu được diễn ra tại Mỹ, nay đã lan rộng ra toàn thế giới và trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Khi nghiên cứu về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu báo cáo sẽ tập trung phân tích những giải pháp giải cứu của các nhóm nước khác nhau trong nền kinh tế thế giới, của các tổ chức kinh tế quốc tế, đánh giá những tác động của nó đến tình hình kinh tế và chính trị thế giới trong năm 2009-2010, chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm từ phía các chính phủ trên thế giới nói chung và chính phủ Việt Nam nói riêng.
Nội dung nghiên cứu của đề tài được kết cấu trong 5 chương như sau:
Chương 1: Tỏng quan kinh tê thế giới 2009 và triển vọng 2010. Chương này đề cập đến những diễn biến xảy ra trong nền kinh tế thế giới năm 2009 thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô, như tốc độ tăng trường GDP, lạm phát, thất nghiệp, cán cân tài khỏan vãng lai, trong đó có so sánh tình hình các khu vực khác nhau trên thế giới. Đưa ra một số dự báo về triển vọng kinh tế thế giới 2010.
Chương 2: Quan hệ kinh tế quốc tế 2009 và triển vọng 2010, phân tích thực trạng thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế dưới tác động của khủng hỏang kinh tế tòan cầu và triển vọng năm 2010
Chương 3: Tổng quan chính trị thế giới 2009 và triển vọng 2010.
Chương 4: Những vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong lĩnh vực kinh tế, xét dưới góc độ ngắn hạn, các nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề cải cách hệ tghống tài chính – ngân hàng, giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách chính phủ, nạn thất nghiệp và tìm kiếm các giải pháp bảo hộ hữu hiệu và phù hợp nền sản xuất trong nước. Còn trong dài hạn, họ phải quan tâm nhiều hơn đến việc cải tổ cơ cấu, kết hợp với giải quyết các vấn đề tòan cầu, cũng như là cải cách các thể chế kinh tế tòan cầu. Trong lĩnh vực an ninh và chính trị, thế giới đang phải đối mặt với việc tìm kiếm một trật tự thế giới mới, đối mặt với các cuộc xung đột khu vực gia tăng, vấn đề an ninh phi truyền thống đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Chương 5: Tác động của kinh tế và chính trị thế giới 2009 và triển vọng 2010 tới nền kinh tế Việt Nam và một số hàm ý chính sách. Sau khi phân tích các kênh tác động của cuộc khủng hỏang tòan cầu đến nền kinh tế Việt Nam, báo cáo đề xuất: thứ nhất, cần xác định ưu tiên can thiệp của nhà nước trong quá trình tự do hóa kinh tế; Thứ hai, đòi hỏi phải đảm bảo tính bền vững trong phát triển đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ trong quá trình hoạch địch chính sách phát triển quốc gia, mà cả trong các hoạt động hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và quốc tế. và thứ ba, tranh thủ cơ hội để nâng cao vai trò và vị trí của Việt nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, còn có Phụ lục Số liệu thống kê và Tài liệu tham khảo.