Ký ức IWEP

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Nhớ mãi hai người thầy, hai người đồng nghiệp lớn

  • Ngày 23/12/2024
  • Hit 4
  • Tác giả iwep

Nhớ mãi hai người thầy, hai người đồng nghiệp lớn

 

Huỳnh Ngọc Nhân

 

Tôi chính chức rời Viện Kinh tế Thế giới năm 1998, chuyển sang Thời báo Kinh tế Việt Nam trực thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, để lại sau lưng 23 năm dấn thân vào công tác nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức kinh tế và kinh nghiệm sống tại Viện Kinh tế học trước đây và Viện Kinh tế Thế giới ngày nay dưới sự dìu dắt tích cực của lớp người đi trước và sự giúp đỡ thấm đẫm tình người của bạn bè cùng trang lứa.

Trong số những bậc tiền bối ở Viện, có hai đồng nghiệp được tôi coi như hai người thầy, hai tấm gương sáng về tinh thần làm việc, phong cách lãnh đạo, lối tư duy và cách đối nhân xử thế, có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách và nhân cách của bản thân tôi từ lúc tuổi còn xanh khi mới bước vào đời lập nghiệp cho đến nay khi đã ở vào lứa tuổi “tri thiên mệnh”, cuộc đời đã ngả sang bên kia sườn núi. Người thứ nhất là cố Giáo sư Đào Văn Tập, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế học (kế nhiệm Viện trưởng Trần Phương), người trực tiếp phụ trách Ban Kinh tế Thế giới thuộc Viện Kinh tế học những năm 1970 và người thứ hai là PGS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Thế giới trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt nam, sau này là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới.

Cái sự học thì vô cùng, người biết quan sát và lắng nghe thì có thể học hỏi mọi điều vào mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, dù chưa một lần chính thức được nghe bài giảng của hai thầy trên giảng đường Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Tổng hợp Hà Nội như các đồng nghiệp của mình đã từng là sinh viên của hai thầy, sau này về công tác tại Viện. Nhưng tự đáy lòng tôi vẫn tôn trọng hai anh như những người thầy thực thụ trong khoa học và trong trường đời. Bởi vì, nhờ biết học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm sống và làm việc của hai thầy mà đến nay, dù không có danh phận gì to tát ngoài xã hội, nhưng do tôi đã biết tự trang bị cho mình những kiến thức và đức tính làm người cần thiết, nên vẫn được xã hội kính trọng, bạn bè đồng cảm và yêu mến…

Bài học lớn nhất tôi rút tỉa từ hai đồng nghiệp lớn là xem xét mọi sự vật và con người ở nhiều góc độ khác nhau và luôn đổi mới nhận thức. Đổi mới từ lối tư duy, đưa ra ý tưởng mới đến cách viết và cách diễn đạt mới. Đến nay, khi chuyển sang làm báo, tôi lại càng thấm thía bài học này ở hai thầy, bởi vì ở bất cứ diễn đàn nào, những phát biểu hay câu hỏi, cách đặt vấn đề của mình đều có độ sắc sảo nhất định, có ý mới, dù chỉ là một milimét, được cử tọa quan tâm và chăm chú lắng nghe…

Nhớ lại tháng 7 năm 1974, mới 23 tuổi đời, vừa tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô về, tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), phân công về làm việc tại Viện Phân vùng và Quy hoạch, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đến tháng 9/1975 do ý tưởng mới của GS. Trần Phương và GS. Đào Văn Tập, Viện Kinh tế học mở ra một hướng nghiên cứu mới về lực lượng sản xuất, mà cụ thể là làm sáng tỏ tác động của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại đến quan hệ sản xuất, tôi may mắn được anh Nguyễn Huy, lúc bấy giờ là Thư ký Khoa học của Viện Kinh tế học (sau này là Viện trưởng Viện Kinh tế học) tuyển về đầu quân cho bộ phận nghiên cứu này, cùng với hai chiến hữu khác là chị Hoàng Minh Hà và anh Nguyễn Hưng (cả hai đều cùng tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô cùng năm với tôi). Nhóm nghiên cứu chúng tôi được anh Đào Văn Tập, lúc này đã là Viện phó, chỉ đạo về mặt khoa học và anh Võ Đại Lược, lúc này là Bí thư chi bộ, Thư ký khoa học, trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu.

Ấn tượng đặc sắc nhất của tôi về thủ trưởng Tập là sự điềm tĩnh, chín chắn trong khoa học đến lạ lùng nhưng trong lối nói, cách cư xử với đồng nghiệp lại dung dị đến mức ngạc nhiên. Tôi cũng bị hấp dẫn bởi lối tư duy sáng láng, cách phát triển ý tưởng đầy ngẫu hứng nhưng cực kỳ chặt chẽ, có vẻ như dựa trên một nền tảng kiến thức vững chắc của thủ trưởng Lược. Nghe các anh phát biểu trong các cuộc hội ý nhóm, hội thảo khoa học, tôi biết các anh đã phải lao tâm khổ tứ tự học như thế nào để có được hệ thống kiến thức đầy đủ đến như vậy và tôi cũng quyết định noi gương các thầy về sự tự học và cũng đã ít nhiều thành công trong những năm làm công tác nghiên cứu khoa học.

Lại nhớ lại, những năm cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980, trong chi đoàn Viện Kinh tế học dấy lên phong trào “sống đậm đặc”, nghĩa là sống hết mình cho khoa học, do GS. Trần Phương khởi xướng. Thanh niên của Viện thời đó được lãnh đạo kêu gọi dành mọi thời gian, mọi suy nghĩ cho việc tìm tòi nghiên cứu đề tài khoa học, tạm gác qua mọi thú vui đời thường. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình cũng là một tay liều lĩnh, trong hoàn cảnh đó mà dám đứng lên phát biểu trước Đại hội công nhân viên chức của Viện, rằng thanh niên còn cần phải học ngoại ngữ, cần có hoạt động thể thao, văn nghệ, rằng Viện toàn những người “già cả”, chưa quan tâm đến việc tổ chức những phong trào vui chơi phù hợp với thanh niên… Thật bất ngờ, thủ trưởng Tập, khi đó đã là Viện trưởng, và thủ trưởng Lược, lúc đó là Bí thư chi bộ, phụ trách Ban Kinh tế Thế giới, lại hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến của tôi. Hai anh cho rằng, những phong trào ngoại khóa đó có tác dụng rất tốt đối với việc hiểu biết lẫn nhau giữa anh chị em trong cơ quan và làm thắt chặt mối thâm tình giữa các đồng nghiệp trong toàn Viện. Và thế là, tôi, lúc này là Trung đội trưởng tự vệ của cơ quan, được phép khuấy động phong trào chơi bóng bàn, thành lập đội bóng đá của Viện. Rồi lại cùng anh Nguyễn Thiết Sơn (sau đó là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, nay là Viện Nghiên cứu Châu Mỹ), anh Nguyễn Ngọc Tuấn (sau đó là Giám đốc Trung tâm Địa lý, nay là Viện Địa lý nhân văn) và anh Nguyễn Xuân Hiệp (sau đó chuyển sang Bộ Công an), thành lập tổ chiếu bóng. Tổ chúng tôi được Công đoàn Viện cho phép đi thuê những bộ phim mới và hay của Đài truyền hình Việt Nam, của các đại sứ quán ở Hà Nội đem về chiếu cho cán bộ trong UBKHXHVN xem và thu được một số tiền ít ỏi làm quỹ Công đoàn.

Một kỷ niệm về sự chỉ đạo của hai thầy về kết hợp nghiên cứu khoa học với thực tiễn tôi còn nhớ mãi. Đó là tháng 11/1978, chế độ Pônpốt-Iengxary đang lộng hành ở Cămpuchia và bị nước ngoài xúi giục chống phá nước ta. Trong nước đã có nhiều  bài viết phân tích về cơ sở kinh tế của chế độ này, song dường như Viện trưởng Đào Văn Tập, không thỏa mãn với những bài viết đó và anh cùng bàn với Trưởng ban Ban Kinh tế Thế giới Võ Đại Lược quyết định cử tôi, một chàng trai trẻ, và anh Nguyễn Đình Ngọc (sau chuyển sang Viện Thông tin Khoa học Xã hội), một người đứng tuổi, rành tiếng Pháp, đến biên giới Tây Nam Tổ quốc đang có chiến tranh, cùng hỗ trợ nhau để tìm hiểu thực chất cái gọi là Công xã Cămpuchia do nước ngoài dựng lên. Thời kỳ này anh Tập đã là Đại biểu Quốc hội, nên quen biết hầu hết các vị đầu tỉnh ở các tỉnh Tây Nam. Chuyến đi thực tế công tác của hai chúng tôi vô cùng thuận lợi, vì đi đến đâu chúng tôi cũng đưa thư tay giới thiệu của anh Tập cho các vị lãnh đạo tỉnh nên được các cấp giúp đỡ hết sức chu đáo.

Trong gần một tháng, hai chúng tôi đã thâm nhập thực tế ở hầu hết các trại tỵ nạn người Khơme ở các tỉnh dọc biên giới nước ta, phỏng vấn nhiều tầng lớp người Cămpuchia đang tỵ nạn ở Việt Nam, đã “ba cùng” với người tỵ nạn ở Trại tỵ nạn Bến Sắn (Tây Ninh) ba ngày đêm, có đêm bị kẻ xấu đâm mác qua vách nhà suýt thành thương.

Ra đến Hà Nội, tôi được anh Tập cho gọi đến thảo luận đề cương bài viết và giục tôi viết ngay một bài phân tích về thực chất Công xã Cămpuchia. Trong vòng một tháng tôi viết xong bài với nhan đề “Thực chất của mô thức Công xã Cămphuchia”, kịp thời góp phần làm sáng tỏ chế độ kinh tế của Cămpuchia dưới thời Pônpốt. Báo cáo này được anh Tập cho trình bày tại Hội nghị khoa học chào mừng Cách mạng Cămpuchia thành công vào tháng 2/1979 do UBKHXHVN tổ chức và được đánh giá cao, cụ thể là tiền nhuận bút được xếp loại A. Tôi biết ơn anh Tập vì sự hướng dẫn chu đáo, tận tâm của một nhà khoa học lớn đối với một người mới tập tọe vào nghề như tôi.

Có thể nói, những thành công nho nhỏ trong khoa học cũng như trong cuộc sống của tôi đều có dấu ấn của thủ trưởng Lược, người đã từng là chi ủy viên, phụ trách thanh niên thời chúng tôi còn trẻ tuổi. Anh là người mà thời bấy giờ được các vị lãnh đạo của Viện giao nhiệm vụ “dắt tay dắt chân” lứa thanh niên chúng tôi bước vào lâu đài khoa học. Còn nhớ những năm đầu vào nghề, anh chị em chúng tôi rất thích đọc nhiều, viết nhiều và vì thế rất hay lạc hướng nghiên cứu, nhưng những chỉ dẫn kịp thời của anh giúp chúng tôi định hình đề tài rõ ràng và cho ra đời những bài viết, công trình có ích, thiết thực hơn với người đọc. Mặt khác anh luôn biết cách động viên chúng tôi lao vào các cuộc tranh luận cho ra vấn đề, đi đến chân lý và biết cách “khích tướng” để chúng tôi hoàn thành những công việc được giao.

Lại nhớ năm 1986, trong thế quẫn bách về kinh tế của gia đình trong bối cảnh nền kinh tế cả nước suy thoái đến tận đáy vực, tôi ngỏ ý xin phép anh, lúc bấy giờ đã là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, được đi làm đội trưởng, xuất khẩu lao động tại Liên Xô để vực dậy kinh tế gia đình, anh đã gọi tôi đến và phân tích cho tôi nghe những điều lợi hại của bước đi này và khuyên tôi nên ở lại Viện, vì tình hình kinh tế đất nước sau “Đổi mới” sẽ khá hơn và nếu có đi Liên Xô thì đi một con đường khác, đàng hoàng hơn, sáng sủa hơn. Quả như vậy, tình hình đất nước sau đó đỡ căng thẳng hơn, và tôi cũng được cử đi Liên xô nhiều lần, và nhờ đó đã từng bước vực dậy gia cảnh của mình.

Giữa năm 1989, trước khi đi thực tập ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, tôi vẫn còn may mắn được gặp mặt lần cuối anh Đào Văn Tập, được khóc trước linh cữu anh quàn tại Hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đường Tràng Thi. Cho đến lúc bấy giờ tôi chưa từng thấy ở Hà Nội có đám tang nào có nhiều vòng hoa như của anh. Trong hàng trăm người rơi lệ, tiễn anh đến Nghĩa trang Mai Dịch có tôi, một đồng nghiệp suốt đời chịu ơn anh.

Tôi viết những dòng này như thắp một nén nhang kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn cố GS. Đào Văn Tập và như một lời cảm ơn sâu sắc đối với PGS. TSKH. Võ Đại Lược, hai người thầy và cũng là hai đồng nghiệp lớn của tôi trong một phần tư thế kỷ đã qua…

 

File