Ký ức IWEP

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Tinh thần học thuật và tư duy đổi mới

  • Ngày 20/12/2024
  • Hit 3
  • Tác giả iwep

Tinh thần học thuật và tư duy đổi mới

 Lê Bộ Lĩnh

Nguyên Phó Viện trưởng

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

   Tôi có may mắn gắn bó với Viện Kinh tế Thế giới, nay là Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới 24 năm, khoảng thời gian bằng hai phần ba quãng đường công tác của mình từ khi ra trường. Còn nếu tính từ buổi được người thầy đầu tiên, GS. Đào Văn Tập, người sáng lập Viện truyền dạy bài học nhập môn Kinh tế Chính trị thì tôi đã có hơn 30 năm đồng hành cùng những người thầy, người bạn đã và đang công tác tại Viện. Đến nay, dù đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, được chu du thiên hạ khá nhiều, đó vẫn là những năm tháng đẹp đẽ nhất, với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui mà nếu ghi lại chắc phải một vài cuốn sách. Trong rất nhiều suy nghĩ, cảm tưởng và ấn tượng khi ôn lại chặng đường bốn mươi năm đã qua của Viện, có một điều tôi tâm đắc nhất đó là tinh thần học thuật và tư duy đổi mới.

     Tôi cảm nhận được điều này ngay từ khi được tiếp cận với những người sáng lập và lãnh đạo đầu tiên của Viện, đó là các thầy Đào Văn Tập, Võ Đại Lược, Lê Văn Sang, Đỗ Lộc Diệp, Nguyễn Đức Diệu. Mỗi người một phong cách, một lĩnh vực chuyên môn sâu nhưng đều chung một nhiệt huyết với khoa học, khát vọng đóng góp và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Tôi vẫn nhớ, trong buổi tổng kết năm đầu tiên hoạt động của Viện, GS. Đào Văn Tập đã nói, chúng ta muốn phát triển, phải nhìn ra thế giới xem họ làm gì, đó là một công việc không đơn giản, phải cần một đội ngũ đông đảo, nhưng với việc thành lập Viện Kinh tế Thế giới coi như chúng ta đã đục được một ô cửa sổ. Trước đó, khi tôi còn là sinh viên, thầy đã tâm sự với chúng tôi, thế hệ các em phải đọc nhiều, những kiến thức trong sách giáo khoa không đủ. Sau đó, thầy chọn 10  người, trong đó có tôi để đào tạo chuyên ngành lịch sử các học thuyết kinh tế, với lý do chúng ta cần phải tiếp cận và nghiên cứu các lý thuyết kinh tế phương Tây, lúc đó gọi là các học thuyết kinh tế tư sản. Khi về Viện, thầy Võ Đại Lược lập phòng nghiên cứu lý thuyết, gọi là Phòng Nghiên cứu những vấn đề chung. Thầy cũng nói, muốn đi xa trên con đường nghiên cứu, các cậu phải nghiên cứu lý luận, mà trọng tâm lúc đó là lý luận về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường và mở cửa trong bối cảnh trong nước còn đang duy trì nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, còn trên thế giới đang bắt đầu các cuộc cải cách sâu rộng. Sau này tôi mới hiểu, đó là một sự trăn trở, một ý tưởng lớn của những người đi trước, từ bao nhiêu năm công tác đã ấp ủ mong muốn xây dựng một lĩnh vực nghiên cứu mới, cơ bản mà trong bối cảnh đất nước lúc đó còn khó khăn về mọi mặt. Từ đó, một tư tưởng xuyên suốt, gần như một nguyên tắc chủ đạo trong việc xác định các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu là phải tìm ra cái mới, phải xác định công việc nghiên cứu đó giải đáp được những vấn đề gì trong nước đang vướng mắc, kể cả về tư duy, chính sách và thực tiễn.

Bốn mươi năm đã trôi qua, các thế hệ của Viện đã tiếp nối nhau thực hiện những ý tưởng  của những người sáng lập và tỏa đi trên các nẻo đường. Giờ đây, không phải là một ô cửa mà là cả những cánh cửa rộng lớn đã mở ra thế giới, nhiều cơ hội mới mở ra nhưng những thách thức cũng lớn hơn. Nhưng tôi luôn mong muốn và tin tưởng, với một Viện nghiên cứu về quốc tế, tinh thần học thuật và tư duy đổi mới vẫn là yêu cầu xuyên suốt để khẳng định vị trí khoa học và có được những đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.

 

 

File