Ký ức IWEP

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

NHỮNG KỶ NIỆM NHỚ MÃI

  • Ngày 20/12/2024
  • Hit 5
  • Tác giả iwep

Công việc của người Viện trưởng

Võ Đại Lược

Nguyên Viện trưởng

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Tôi được cử giữ chức Trưởng ban Kinh tế Thế giới thuộc Viện Kinh tế học từ trước năm 1980. Đến năm 1980 Ban Kinh tế Thế giới tách khỏi Viện Kinh tế học trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (sau là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Trung Tâm Khoa học Xã hội và Nhân Văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và tôi được bổ nhiệm làm Trưởng ban.

Vì là một cơ quan mới được tách ra thành lập, nên có rất nhiều việc phải làm, từ xác định chức năng nhiệm vụ, đến xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ, lo chỗ ăn, ở, làm việc cho mọi người. Có một số việc sau đây đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể quên.

Khi thành lập Ban Kinh tế Thế giới trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Ban tiếp nhận một lớp cán bộ mới là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Tổng hợp, về Viện làm việc, nhưng phải chờ biên chế, chờ tiền lương, lúc đó mức phụ cấp của Viện không đủ nuôi sống họ. Họ cũng không có chỗ ở, phải ngủ bàn ở phòng làm việc. Đôi lần làm việc muộn tôi thấy họ phải ăn cháo. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm một việc gì đó. Tôi đã gợi ý cho họ tìm thêm việc làm kiếm sống. Sau một thời gian họ đã báo cáo xin Trưởng ban cho phép họ nghỉ một số ngày để đi trông xe đạp ở chợ Bưởi. Tôi đã đồng ý. Không ngờ là thu nhập trông xe đạp của họ chỉ trong khoảng 10 ngày đã đủ nuôi sống họ cả tháng.

Ban Kinh tế Thế giới mới thành lập được chia một số phòng làm việc tại tầng 3 khu nhà 27 Trần Xuân Soạn. Mỗi phòng làm việc phải xếp tới 6-7 cán bộ, không có phòng đọc, phòng tiếp khách … Ở Ủy ban Khoa học Xã hội lúc đó việc xây dựng trụ sở làm việc là trách nhiệm của lãnh đạo cấp trên, các Viện và Ban nghiên cứu trực thuộc không có trách nhiệm làm việc này. Nhưng trên thực tế cho đến năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội chưa xây dựng trụ sở làm việc cho một viện nào và cũng không ai nghĩ đến việc đó. Tôi nẩy ra ý nghĩ phải tự xây lấy chỗ làm việc cho Viện Kinh tế Thế giới. Tôi đã đi tham khảo ý kiến nhiều nơi và thấy là có thể làm được. Vậy là tôi quyết định thành lập một nhóm làm việc này. Để xây dựng một trụ sở làm việc của Viện trong điều kiện đầu những năm 1980 là công việc thật phức tạp:  phải chạy xin đất, xin vốn, xin vật tư… Rất may, lúc đó tôi đã được lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam rất ủng hộ, nên công việc đã tiến triển tốt. Tôi và anh Nguyễn Đức Diệu lúc đó là Phó Viện trưởng đã không quản ngày đêm, đi liên hệ từ chủ tịch phường, đến chủ tịch quận, đã phải làm nhiều việc giúp các đồng chí lãnh đạo phường, quận, Ủy ban Kế hoạch của Hà Nội … để rồi các đồng chí đó giúp cho Viện xây dựng trụ sở có kết quả. Cuối cùng đến năm 1989, trụ sở Viện Kinh tế Thế giới đã khánh thành. Một số viện sau này cũng đã đi theo cách làm của Viện Kinh tế Thế giới.

Thu nhập của cán bộ trong Viện vào những năm 1980 rất thấp. Phải làm gì để đảm bảo nguồn thu nhập tối thiếu giúp mọi người yên tâm học tập và nghiên cứu? Viện đã phải lập ra nhóm cải thiện đời sống và anh Lê Nhật Quang được cử làm trưởng nhóm này. Nhóm đã làm một số việc gọi là kinh doanh – mua hàng hóa của một số công ty Nhà nước rồi bán lại kiếm chút chênh lệch giá, trong số các hàng hóa mua bán lúc đó, có cả từ các lưỡi cưa đá đến xe du lịch.

 Sau một thời gian hoạt động, lãi lời không thu được bao nhiêu, có mặt hàng lại bị lỗ, do các nhà nghiên cứu không có kinh nghiệm buôn bán. Tôi đã quyết định đình chỉ hoạt động buôn bán này. Chuyển hướng hoạt động cải thiện của Viện sang xin các dự án tài trợ của nước ngoài. Dự án đầu tiên là của Quỹ Toyota (Nhật Bản) tài trợ cho việc dịch và xuất bản quyển sách “Thuyết Z”. Đây cũng là dự án tài trợ đầu tiên của các nước phương Tây cho giới nghiên cứu Khoa học Xã hội Việt Nam. Thủ tục xin phép lúc đó quá phức tạp. Phải đến anh Hoàng Tùng lúc đó là Ủy viên Ban Bí thư phụ trách công tác tư tưởng văn hóa đứng ra đảm bảo mới được cấp trên cho phép. Kế đó tôi phải trực tiếp xin anh Nguyễn Cơ Thạch là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại cho phép Viện Kinh tế Thế giới được sử dụng ngoại tệ của dự án. Quỹ Toyota đã tài trợ cho Viện Kinh tế Thế giới một chương trình dịch và xuất bản sách kinh tế – nhằm góp phần phổ biến những kiến thức về kinh tế thị trường ở nước ta và tạo thêm công ăn việc làm có thu nhập cho cán bộ của Viện Kinh tế Thế giới lúc đó. Về sau này các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện phát triển đã giúp cán bộ nghiên cứu khoa học nâng cao mức sống một cách đáng kể.

Những việc làm đại loại như trên còn nhiều, nhưng thực ra đó không phải là công việc chính của người Viện trưởng. Đó chỉ là những việc tôi phải làm, để có thể làm được những công việc chính của người Viện trưởng. Vậy những công việc chính của người Viện trưởng là gì?.

Trước hết phải định hướng đúng những hướng nghiên cứu của Viện.

Có người cho rằng Viện Kinh tế Thế giới phải nghiên cứu bên ngoài để phục vụ bên trong. Kinh tế Thế giới bên ngoài có biết bao nhiêu thứ, phải lựa chọn cái gì đây và phục vụ bên trong là phục vụ cái gì, phục vụ ai. Tôi đã đi khảo sát nhiều viện nghiên cứu kinh tế thế giới của nhiều nước và thấy rằng họ định hướng nghiên cứu kinh tế thế giới tương đối độc lập. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định chọn hướng đi cho Viện là nghiên cứu kinh tế thế giới để giải quyết những vấn đề kinh tế cấp bách trong nước. Do vậy hướng nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới lúc đó là nghiên cứu cải cách hệ thống quản lý kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa, các vấn đề chống lạm phát, các chiến lược phát triển của các quốc gia v.v. Từ những nghiên cứu này, Viện Kinh tế Thế giới đã trực tiếp góp phần tham gia vào việc hoạch định chương trình chống lạm phát trong thời gian 1988 – 1990, chiến lược phát triển 1991 – 2000. Nhờ tiếp thu những ý tưởng kinh tế của thế giới, Viện đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng có ý nghĩa cho việc xây dựng các chính sách kinh tế nước ta trong thời kỳ những năm 1980 và 1990. Những ý tưởng kinh tế mà Viện Kinh tế Thế giới đã đề xuất và ủng hộ là: thực hiện lãi suất dương, tự do hóa kinh tế, đa dạng hóa thành phần kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, gia nhập ASEAN, APEC, WTO, IMF, WB, nghĩa là theo hướng thị trường hóa và hội nhập quốc tế. Những đề xuất này dựa trên những căn cứ lý luận và kinh nghiệm thực tế của thế giới và trong nước, nên đã có sức thuyết phục.

Ngay từ khi thành lập, Viện đã đặt cho mình nhiệm vụ phải nghiên cứu những vấn đề mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước suy nghĩ, tư vấn cho họ lựa chọn các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đất nước. Tư duy nghiên cứu của Viện tương đối độc lập, không bị lệ thuộc bởi tư duy của những người lãnh đạo cấp cao, chỉ có như vậy mới giúp ích cho những người lãnh đạo. Đồng chí Trường Chinh khi làm Tổng Bí thư cũng đã giao Viện Kinh tế Thế giới trả lời các vấn đề: Chính sách kinh tế mới của Lênin và việc vận dụng vào Việt Nam; Chính sách kinh tế đối ngoại Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội thị trường… Trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã đặt ra rất nhiều vần đề cho Viện Kinh tế Thế giới phải nghiên cứu và trả lời trực tiếp như: Những giải pháp chống lạm phát ở Việt Nam thời kỳ 1988 – 1991; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam có thể lựa chọn cho thời kỳ 1991 – 2000; Sự tan rã của Liên Xô, hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và tác động; Thu hút FDI  và các giải pháp v. Đồng chí Nguyễn Văn Linh khi làm Tổng Bí thư đã giao cho Viện viết báo cáo về đổi mới tư duy kinh tế ở Việt Nam. Tôi với tư cách là Viện trưởng từ năm 1993 đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thư mời tham gia Tổ Tư vấn cho Thủ tướng, sau này là Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Trong các kỳ chuẩn bị biên soạn văn kiện cho các Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, VIII, tôi cũng được cử làm thành viên của các tổ biên tập văn kiện.

Có thể nói rằng hoạt động nghiên cứu của Viện đã gắn bó và phục vụ trực tiếp cho những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ.

Thứ hai là xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ của Viện. Khi mới thành lập, Viện mới chỉ có một phó tiến sỹ, tôi làm Trưởng ban lúc đó cũng chưa bảo vệ luận án phó tiến sỹ, vì nhiều lý do. Trách nhiệm nặng nề của Viện trưởng là phải tuyển chọn được những người giỏi, đào tạo họ thành cán bộ nghiên cứu tốt, có học hàm, học vị. Bản thân tôi phải vừa làm việc, vừa phấn đấu bảo vệ luận án phó tiến sỹ, rồi tiến sỹ (TSKH). Việc chọn người giỏi về Viện cũng không phải dễ, vì tôi phải chịu sức ép nhận con em các đồng nghiệp. Tôi đã phải nhiều lần làm một việc rất khó chịu là phải từ chối tiếp nhận con em các đồng nghiệp về Viện, vì lý do học lực không đủ. Rất mừng là đến nay Viện Kinh tế Thế giới đã có Hội đồng Đào tạo Tiến sỹ kinh tế, đã có nhiều người có học hàm, học vị và nghiên cứu tốt. Viện luôn theo phương châm ủng hộ cao nhất cho những ai có yêu cầu, có đủ điều kiện đi đào tạo ở cả trong và ngoài nước.

Thứ ba là xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý của Viện. Viện Kinh tế Thế giới đã xây dựng được 2 tờ tạp chí cả tiếng Việt và tiếng Anh, có cơ sở đào tạo tiến sỹ, có đủ các phòng nghiên cứu về các lĩnh vực và một số nước quan trọng, có Phòng Thông tin – Tư liệu – Thư viện, Phòng Quản lý khoa học v.v. Cơ cấu tổ chức của Viện qua một số lần cải tiến đã ngày càng hoàn chỉnh.

Nhiều năm làm Viện trưởng, tôi cho rằng ba công việc trên đây là những công việc thực sự của Viện trưởng. Những việc khác mà người Viện trưởng phải làm cũng là để làm tốt ba công việc trên. Song người Viện trưởng muốn làm tốt công việc của Viện trưởng, thì bản thân người Viện trưởng phải làm tốt cả việc học tập và nghiên cứu. Việc học và làm đối với tôi luôn là một. Để nghiên cứu một đề tài tôi phải đọc tất cả những tài liệu đã nói về vấn đề đó – đó là việc học, từ đó mới nảy sinh các ý tưởng, kiến giải – đó là việc nghiên cứu. Tôi luôn đặt cho mình nhiệm vụ phải rèn luyện sức khỏe để có thể làm việc bền bỉ, phải sống lành mạnh, trong sạch để có tâm hồn thư thái cho công việc, phải có quan hệ tốt với mọi người để có thể có sự ổn định hoạt động. Sống là làm việc, nhưng nếu chỉ làm việc thì không thể gọi là sống.

File