Chủ nhiệm đề tài: Bùi Ngọc Sơn
Thuộc Chương trình nghiên cứu cấp Bộ 2009-2010
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Đề tài đi sâu tìm hiểu những đặc trưng nổi bật nhất của quá trình tự do hóa tài chính trên thế giới từ thập niên 1970 trở lại đây, qua đó rút ra những kinh nghiệm và hàm ý chính sách áp dụng cho tiến trình tự do hóa tài chính đang được thực hiện tại Việt Nam.
Những mục tiêu cụ thể của đề tài là:
– Tìm hiểu những cơ sở lý luận của quá trình tự do hóa tài chính;
– Thực trang của quá trình tự do hóa tài chính trong gần hai thập kỷ qua đang diễn ra trên thế giới;
– Tìm ra những đặc điểm của quá trình tự do hóa tài chính;
– Tìm hiểu xem quá trình tự do hóa tài chính trên thế giới đã thể hiện ra trên những xu hướng nào? Nói cách khác là khái quát quá trình tự do hóa tài chính thành những xu thế hay mô hình cơ bản với những đặc trưng của chúng;
– Trình bày những tác động cơ bản mà quá trình tự do hóa tài chính đã đem lại cho nền kinh tế của các nước cũng như nền kinh tế thế giới nói chung;
– Đánh giá về nhân tố tự do hóa tài chính trong các cuộc khủng hoảng tài chính hiện đại: tại châu Á năm 1997 và tại Mỹ năm 2008;
– Rút ra những bài học hay kiến nghị cho quá trình tự do hóa tài chính ở Việt Nam.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, nội dung của đề tài được kết cấu thành 5 chương như sau:
Chương 1: Những cơ sở lý luận của tự do hóa tài chính: Sau khi đưa ra khai niệm tổng quát về tự do hóa tài chính, chương này đã đưa ra định nghĩa về các nội dung cơ bản của nó, gồm tự do hóa lãi suất, tự do hóa hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, tự do hóa hoạt động thị trường chứng khoán, tự do hóa sở hữu trong lĩnh vực tài chính, tự do hóa cạnh tranh trên thị trường tài chính và tự do hóa tài khoản vốn. Đồng thời, nhóm tác giả cũng đưa ra trình tự tự do hóa tài chính theo lý thuyết của McKinnon Saw và lưu ý rằng tùy theo tình hình cụ thể của mỗi quốc gia, mà trình tự đó phải có những điều chỉnh cần thiết.
Chương 2: Thực trạng và đặc điểm của quá trình tự do hóa tài chính: Trên cơ sở khung đánh giá về mức độ tự do hóa tài chính theo các tiêu chí, gồm bãi bỏ kiểm soát đối với hoạt động phân bổ tín dụng, tự do hóa lãi suất, khuyến khích cạnh tranh, cơ chế giám sát, tự do hóa sở hữu, tự do hóa tài khoản vốn avf xóa bỏ áp chế đối với thị trường chứng khoán, đề tài đã đưa ra những nhận định về quá trình tự do hóa tài chính của các khu vực khác nhau trên thế giới trong các giai đoạn từ giữa thấp kỷ 1980 đến hết 1990, và từ 1990 đến nay. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một số đặc điểm chủ yếu của quá trình tự do hóa tài chính cho đến nay là thời điểm tiến hành tự do hóa tài chính ở mỗi quốc gia là khác nhau, với tốc độ khác nhau và trình tự khác nhau. Nhóm tác giả cũng đã đưa ra nhận định rằng tư nhân hóa khu vực nhà nước có thể không phải là một điều kiện cần của tự do hóa tài chính, nhưng nhất thiết nên được tiến hành song song với quá trình này.
Chương 3: Những tác động chủ yếu của tự do hóa tài chính: Đề tài xem xét tác động của tự do hóa tài chính trong mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế, lãi suất, với sự tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ tiết kiệm nội địa và khủng hoảng tài chính
Chương 4: Tính tất yếu của xu hướng tự do hóa tài chính toàn cầu và triển vọng đến 2020. Tiếp tục quá trình toàn cầu hóa, tiếp tục tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tất yếu phải thúc đẩy tự do hóa tài chính. Song, để nắm bắt được những cơ hội mà nó mang lại, cần nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giám sát tài chính nói chung và giám sát rủi ro nói riêng.
Chương 5: Đề xuất quá trình tự do hóa tài chính ở Việt Nam liên quan đến lựa chọn trình tự hợp lý, kết hợp giữa tự do hóa tài chính ở cấp độ quốc gia và quốc tế, hoàn thiện chính sách, mở cửa thận trọng thị trường tài chính với bên ngoài và tăng cường minh bạch thông tin.