Những ngày đầu xây dựng Viện Kinh tế thế giới
Dương Thị Diệp
Nguyên Trưởng phòng
Phòng Thông tin Tư liệu Thư viện
Năm 1965, tôi vừa hoàn thành lớp Trung cấp Sư phạm tại chức (Ban Toán – Hóa) do Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội mở thì Viện Kinh tế học, cơ quan chồng tôi (anh Đào Văn Tập), được lệnh sơ tán lên huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc.
Khi đó anh Tập đang trong thời kỳ hồi phục, dưỡng sức sau một cơn bạo bệnh và hàng ngày vẫn phải uống thuốc đông y. Anh bàn với tôi xin chuyển ngành sang cơ quan anh để gia đình tập trung một chỗ tiện chăm sóc chồng con.
Được cơ quan anh đồng ý tiếp nhận và Sở Giáo dục cho chuyển ngành, tôi trở thành cán bộ Viện Kinh tế học. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi được học trong nhà trường thời Pháp thuộc (phải thôi khi đang học dở năm thứ nhất trung học), tôi được bố trí làm cán bộ thư viện. Khi ấy Phòng Tư liệu – Thư viện chỉ có 3 người: Bác Quý, Trưởng phòng, chị Thủy giữ tư liệu và tôi giữ thư viện. Vì vậy tôi phải làm đủ các khâu, từ khâu nhập sách, sắp xếp sách, tạp chí, phục vụ bạn đọc, đến làm vệ sinh kho sách, chống mối, chống mốc v.v.
Kho sách lúc ấy cũng ít, phần lớn là sách, tạp chí tiếng Pháp, một ít tiếng Nga, tiếng Anh, một ít tiếng Trung. Do đã biết tiếng Pháp và chịu khó mày mò, tra từ điển, học thêm bạn đọc nên tôi nhanh chóng nhớ hết tên các loại tạp chí tiếng Nga, tiếng Anh, vì vậy bạn học hỏi đến loại tạp chí nào là phục vụ được ngay. Sách lúc ấy xếp theo chuyên đề (kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp v.v..) nên quyển cao, quyển thấp cùng để một chỗ, bạn đọc dễ tự chọn nhưng rất tốn chỗ để.
Đầu năm 1967, được biết Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được phép tuyển thẳng các cán bộ đã tham gia kháng chiến bậc cán sự 2, trình độ trung cấp vào đại học, tôi đã xin đi học. Mặc dù được cơ quan đồng ý, nhưng khi tôi có giấy gọi nhập học thì các anh Phan Đắc Lực, Nguyễn Xuân Hòe, Phạm Tiến gặp tôi khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ, vì chồng tôi tuy đã khỏi bệnh nhưng còn yếu lắm, các con tôi lớn nhất mới lên 8, bé nhất mới lên 5 tuổi.
Đêm ấy tôi đã khóc ướt cả gối, tôi biết cơ quan không muốn cho tôi đi học, nhưng để tôi tự quyết định lấy. Nếu không đi dịp này thì không còn cơ hội vì sau đó phải thi cử rất khó. Nhưng bình tâm lại tôi thấy các anh khuyên là đúng, nếu tôi bận học, một năm phải 2 kỳ đi tập trung ôn tập và kiểm tra thì ai chăm sóc chồng con. Nếu anh Tập có làm sao, các con tôi học hành không ra gì, hư hỏng thì tôi sẽ ân hận suốt đời. Và tôi đã quyết định không đi học nữa. Bây giờ kiểm chứng lại, tôi thấy lúc ấy tôi đã quyết định đúng.
Sau này có điều kiện rảnh rang hơn, tôi đã theo học và tốt nghiệp hệ tại chức 6 năm tiếng Pháp do Trường Sư phạm Ngoại ngữ và Sở Giáo dục Hà Nội mở vào năm 1979.
Cuối năm 1967, công tác thư viện – tư liệu ngày càng phát triển, cán bộ cũng đông hơn nên cần phải có kiến thức thư viện học để tổ chức lại thư viện cho chính quy nên cơ quan đã cử tôi và chị Đào Hằng, bộ phận tư liệu đi học một lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ thư viện cấp huyện do Thư viện Quốc gia mở. Sau khi đi học về chúng tôi đã sắp xếp lại tư liệu, sách báo theo khung phân loại thống nhất với các thư viện trong Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Sách cũng được xếp theo cỡ sách, dán ký hiệu đánh số thứ tự, viết phiếu giới thiệu tên sách, sắp xếp theo phân loại vào các ô phiếu trên tủ. Cán bộ và bạn đọc chỉ được chọn sách qua ô phiếu chứ không được trực tiếp vào kho nữa.
Dần dần chúng tôi tiến tới viết phiếu giới thiệu nội dung các bài tạp chí và cũng xếp và phân loại vào tủ phiếu tạp chí riêng để bạn đọc tiện ra cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn cắt tin trong các bản tin dán thành các hồ sơ chuyên đề.
Sau này khi Ban Kinh tế Thế giới đã được tách rồi trở thành Viện Kinh tế Thế giới, tôi được Viện cho đi tham quan nghiên cứu công tác tư liệu ở Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế ở Liên Xô. Về nước, tôi đã tham khảo bảng phân loại tư liệu của Viện này để soạn một bảng phân loại tư liệu cho thích hợp với tình hình nghiên cứu của Việt Nam và đẩy mạnh công tác cắt dán bản tin, còn sách vẫn xếp như cũ. Để phục vụ bạn đọc tốt hơn, chúng tôi đã tổ chức cho dịch các bài tạp chí, sách theo các chuyên đề lớn mà Viện đang hoặc sắp nghiên cứu, lập các sưu tập chuyên đề để mọi cán bộ có thể đọc được các bài tạp chí bằng các ngoại ngữ khác mà mình chưa biết.
Mặc dù so với công nghệ thông tin – tin học hiện nay thì công tác tư liệu – thư viện của chúng tôi lúc đó thật là thủ công, đơn giản nhưng nó cũng đã góp phần giúp cho cán bộ nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc tìm tư liệu.
Để có thể hoàn thành được những nhiệm vụ cơ quan giao cho, ngoài nỗ lực bản thân, tôi rất biết ơn cơ quan đã tạo điều kiện cho tôi được nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ thư viện, kiến thức kinh tế qua các lớp thư viện học, ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Pháp), lý luận chính trị trung cấp và trợ lý kinh tế thế giới.