Ký ức IWEP

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Những kỷ niệm khó quên

  • Ngày 20/12/2024
  • Hit 4
  • Tác giả iwep

Những kỷ niệm khó quên

Lê Văn Sang

Nguyên Phó Viện trưởng

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

 

Hướng về ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nhiều kỷ niệm khó quên cứ hiện lên trong tôi. Tôi muốn nói nhiều, viết nhiều để mọi người cùng chia sẻ. Nhưng một tiếng nói răn đe luôn vang vọng trong tôi: coi chừng với sự nhiều lời và lan man của tuổi già! Do vậy tôi xin lựa chọn một kỷ niệm tự cho là tiêu biểu nhất, và đặt cho nó một cái tên: Viên gạch lát nền từ đất nhào vùng bán sơn địa Hà Bắc.

Tháng 11-1964 tôi may mắn được nhận về Ban Kinh tế Thế giới thuộc Viên Kinh tế học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, do giáo sư Đào Văn Tập lúc đó làm Trưởng ban. Vào thời đó, Ban Kinh tế Thế giới đã có hơn 20 cán bộ, nhiều người lớn tuổi, sinh viên mới về như tôi có khoảng 5 – 6 người, sau đó tăng thêm khá nhanh.

Tôi được Trưởng ban giao việc dịch tất cả các bài về kinh tế thế giới trên một số báo và tạp chí Trung Quốc để phục vụ các cán bộ nghiên cứu trong Ban, đồng thời cho phép tôi thấy thích vấn đề nào thì đi sâu nghiên cứu vấn đề đó. Sau này tôi chọn kinh tế Nhật Bản.

Tôi say mê dịch và học qua các bài dịch, chủ yếu từ tờ tuần san “Kinh tế đạo Báo” của Hồng Kông, tờ tạp chí “Thế giới tri thức” và tờ “Á Phi” của Trung Quốc lục địa. Từ sáng sớm đến 11 giờ đêm, ngày nào cũng như ngày nào, tôi đều lấy 15 trang giấy khổ A4 làm mục tiêu phấn đấu. Hôm nào vượt được 15 trang giấy khổ A4 là thấy mãn nguyện. Tôi nhớ kỷ lục cao nhất của tôi là 20 trang (Tất nhiên chữ viết to!). Dịch xong bài nào tôi mang ngay cho người nghiên cứu nước đó, khu vực đó, hoặc lĩnh vực đó sử dụng theo tinh thần “xã hội chủ nghĩa”, “mình vì mọi người” lúc đó. Nếu ai đó chỉ ra những chỗ chưa rõ, khó hiểu, hoặc đề nghị xem lại bản gốc để đối chiếu … đó là lúc tôi cảm thấy vui sướng vì đã phục vụ đúng chỗ, sản phẩm của tôi đã có người sử dụng.

Hình như những kiến thức mới được mở ra qua những bài dịch và niềm vui được phục vụ, được cống hiến cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa lúc đó đã có sức mạnh động viên một sinh viên mới ra trường như tôi làm việc ngày đêm một cách vô tư như vậy.

Thế nhưng có một ngày, trước khi cơ quan đi sơ tán, trong khi đang miệt mài làm việc cùng với nhiều đồng nghiệp thì một nhà nghiên cứu lâu năm đến thăm. Như một gáo nước lạnh dội lên đầu tôi lúc đó vì một câu nói bâng quơ của đồng chí đó với mọi người rằng: “Ếch ngồi đáy giếng thế này, biết gì mà nghiên cứu thế giới”. Tôi bắt đầu thấy mung lung, đôi lúc tự hỏi về cái nghề mình đang làm thật sự có tiền đồ hay không, có ích cho xã hội hay không.

Sự mung lung về nghề nghiệp trong tôi sau câu nói vô tình trên không có ai giải đáp, chẳng có cuộc họp nào đề cập, nó cứ ngấm ngầm trăn trở trong tôi mãi cho đến ngày Ban Kinh tế Thế giới xây nhà làm việc tại nơi sơ tán: xóm Nội Dinh, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc. Ngoài nhà làm việc của đồng chí Viện trưởng do phòng Hành chính viện lo, đây là Ban duy nhất trong Viện Kinh tế học tự lực xây dựng được nhà làm việc tập trung tại nơi sơ tán.

Nói từ “xây nhà” thật sự không chính xác, vì nhà làm bằng đất, tre, nứa, không có một tí vôi vữa, xi măng nào. Đồng chí Trưởng ban vóc người thanh mảnh, có đôi mắt sáng, tự tin và ẩn chứa sức mạnh thu hút mọi người vào  việc lớn đã cùng nhào đất, đóng gạch xây “trụ sở” làm việc với anh em trong Ban. Những viên gạch đất nhào được phơi khô cứ cao dần, cao dần theo thời gian, cho đến ngày đủ làm ngôi nhà 5 gian: 3 gian lớn dành cho hơn 20 cán bộ nghiên cứu của Phòng Kinh tế các nước Xã hội chủ nghĩa, Phòng Kinh tế các nước Tư bản, Phòng Kinh tế các nước Đang phát triển, một gian nhỏ làm phòng làm việc của Trưởng ban, một gian nhỏ nữa giao cho vợ chồng tôi ở và làm nhiệm vụ “ông từ giữ đền”.

Viên gạch đất nhào vùng bán sơn địa Hà Bắc trở nên có hồn đối với tôi. Vì qua những ngày nhào đất, đóng gạch xây ngôi nhà đó, tôi thấy được hoài bão, chí hướng xây dựng chuyên ngành nghiên cứu kinh thế thế giới của đồng chí Trưởng ban, người thày, người lãnh đạo trực tiếp của tôi lúc đó. Đây chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng sự nghiệp khoa học trong tôi, vì từ đây những mung lung về nghề nghiệp tan biến, trong tôi tràn đầy niềm tin và quyết tâm đi theo nghề nghiên cứu kinh tế thế giới.

Ấn giấu sau lũy tre bên sườn đồi là ngôi nhà nứa lá 5 gian lớn nhất thôn Cẩm Trang lúc bấy giờ. Đối với tôi, nó còn lớn hơn nhiều, nó lồng lộng như một tòa nhà, vì nó khẳng định trong tôi cả một tiền đồ rộng lớn của nghề nghiên cứu kinh tế thế giới.

Hình như lịch sử đã lặp lại, PGS.TSKH. Võ Đại Lược, người kế tục xuất sắc sự nghiệp của GS. Đào Văn Tập cũng là Viện trưởng đầu tiên trong Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tự lực xây dựng được tòa nhà 5 tầng nguy nga cho Viện cùng với vị thế mới của chuyên ngành nghiên cứu Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế trong xã hội chúng ta.

Nhưng đối với tôi, hình ảnh ngôi nhà nứa lá 5 gian bên sườn đồi Nội Dinh năm xưa vẫn lồng lộng vững bền với thời gian.

 

File