Lung linh những kỷ niệm đẹp
Nguyễn Minh Hằng
Khi Viện Kinh tế Thế giới được thành lập (nay là Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới), tôi đã chuyển sang đơn vị khác, lúc đầu là biệt phái, sau đó là chính thức. Tuy nhiên khi tiền thân của Viện là Ban Kinh tế Thế giới tách ra khỏi Viện Kinh tế học, thì tôi cũng là một trong những thành viên đầu tiên, đồng thời là Bí thư Chi bộ của Ban lúc ấy. Có lẽ vì vậy, cho đến nay bản thân tôi bao giờ cũng yêu quý Viện, bao giờ cũng đinh ninh mình vẫn là cộng tác viên gần gũi, gắn bó với Viện (và hình như lãnh đạo Viện cũng như bạn bè, đồng nghiệp ở đây chưa bao giờ đối xử với tôi như “người ngoài”). Có thể phần vì tôi tuy đã chuyển đi, nhưng những người thân yêu nhất của tôi vẫn gắn bó với nơi đây. Song quan trọng hơn, đây là trường học đầu tiên đào tạo nghề nghiệp cho lớp cán bộ trẻ chúng tôi, là nơi đã gây dựng những cơ sở ban đầu nhưng vô cùng quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học của tôi. Đã gần 50 năm, nhiều ký ức của cuộc đời đã mờ dần đi cùng năm tháng, nhưng biết bao kỷ niệm về những ngày làm việc ở Ban Kinh tế Thế giới vẫn lung linh, không thể nào phai nhạt. Quên sao được những tháng ngày lên lớp học hành, thế hệ thanh niên chúng tôi được những người thày, người anh lớn, như GS. Trần Phương, Đào Văn Tập, Nguyễn Ngọc Minh.. truyền cho niềm say mê khoa học. Quên sao được những buổi họp Đoàn, động viên nhau “tiến quân vào khoa học” với người Bí thư Chi đoàn năng động, đầy sáng kiến Võ Đại Lược. Tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp thêm thân thiết qua những buổi tập quân sự, cứu thương, giao lưu văn nghệ với bà con nơi sơ tán. Phần lớn lứa tuổi thanh niên chúng tôi ngày ấy, nay đã trở thành những lão ông, lão bà, ít nhiều đều có đóng góp cho xã hội, là để có được những đóng góp hữu ích dù còn khiêm tốn đó, trước hết phải kể đến công lao đào tạo của Viện, của Ban, của những người thày ngày ấy.
Nghĩ lại, tôi tự thấy mình có nhiều may mắn trong công việc, mà may mắn lớn nhất là hầu như suốt đời được làm việc đúng với chuyên môn được đào tạo: học Trung văn ở trường Đại học, khi về Viện Kinh tế học lại được học chuyên ngành Kinh tế Thế giới, trở thành người chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc cho đến tận ngày nay, sau khi đã nghỉ hưu; đã có được một số công trình về lĩnh vực này … Tuy nhiên, không mấy người biết rằng, con đường đi của tôi không hề bằng phẳng. Đã bao lần tôi nghiêng ngả, muốn “phá ngang”, muốn chuyển sang việc khác… Tôi sẽ chẳng được là tôi như bây giờ nếu như Trưởng ban, GS. Đào Văn Tập không có tầm nhìn chiến lược về việc nghiên cứu Trung Quốc, hết lòng động viên và kiên quyết bố trí tôi vào làm lĩnh vực mà không ít người cho rằng nên “xếp xó”. Còn nhớ, những năm đầu về Ban, bạn bè cung trang lứa được sắp xếp làm việc trong những lĩnh vực có nhiều tư liệu nghiên cứu, phần lớn đều thuận buồm xuôi gió, viết và đăng bài trên tạp chí đều không khó khăn. Còn nước Trung Quốc mà tôi nghiên cứu, vào đúng thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” đã đóng cửa mọi tòa soạn và nhà xuất bản, ngừng phát hành toàn bộ sách báo, tạp chí khoa học. Việc đăng tải bài vở của ta lại không thể, do quan hệ hai nước tế nhị và phức tạp; vả lại làm gì có tư liệu để nghiên cứu, không có bột sao gột nên hồ? Tôi đã bao phen sầu não, buồn nản, muốn bỏ nghề, cảm thấy mình không kém cỏi, nhưng sao chẳng bằng chị bằng em…
Trưởng ban của chúng tôi, anh Tập là người lãnh đạo vừa nghiêm khắc vừa mềm mại, vừa thông cảm đồng tình lại vừa kiên trì thuyết phục tôi đừng “phá ngang”, vì theo anh tôi là người thích hợp với công việc nghiên cứu Trung Quốc. Để động viên, anh tạo điều kiện cho tôi tham gia những đề tài ngắn hạn để có bài đăng báo hoặc được sử dụng dưới hình thức khác, cho tôi được học hành đào tạo với những điều kiện thuận lợi nhất. Đó là “giấm”quả, đợi chín. Tôi còn nhớ như in, anh đã từng nói trước cuộc họp Ban, rất chân tình: “Trung Quốc là nước rất cần phải nghiên cứu, rất đáng được nghiên cứu. Nếu như cho tôi được làm công việc đúng như tôi mong muốn, tôi sẽ tình nguyện gác hết các việc khác để dành cả đời vào nghiên cứu Trung Quốc… Tôi không tin rằng, tình hình Trung Quốc sẽ phức tạp mãi, việc nghiên cứu của ta sẽ khó khăn mãi …” Là người lãnh đạo một cơ quan lớn, anh không thể gác được việc khác để làm công việc mà anh yêu thích, anh có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về các lĩnh vực khác, song anh vẫn thật sự là một nhà Trung Quốc học. Ngoài cuốn sách lớn viết về công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa những năm đầu, mà tính khoa học và sự phong phú về tri thức, cho đến nay hiếm có công trình nghiên cứu Trung Quốc nào sánh được, những năm cuối đời anh còn có nhiều bài viết và ý kiến chỉ đạo hết sức đúng đắn và sắc sảo về kinh tế Trung Quốc sau những cơn khủng hoảng, động loạn và bắt đầu bước vào cải cách mở cửa. Anh là một trong số ít người kiên trì vận động để cho ra đời Ban Trung Quốc học. Tôi dùng dằng không muốn di chuyển, không chịu đi biệt phái, anh đã ân cần thuyết phục, rồi cương quyết ra quyết định chuyển tôi sang đơn vị mới, vì theo anh, tôi đã thành một quả “ương ương” rồi, làm việc độc lập được rồi. Sau này, tôi cứ nghĩ mãi về sự nông cạn hời hợt của mình. Nếu không có một môi trường tốt là Ban Kinh tế Thế giới lúc đó, không có người thày nghiêm khắc nhưng ân cần, thấu tình đạt lý, nhìn xa trông rộng như GS. Đào Văn Tập, thì chắc chắn cuộc đời làm công tác nghiên cứu của tôi sẽ đầy trắc trở, gập ghềnh, và như trên đã viết, tôi sẽ chẳng được là tôi như bây giờ. Mỗi người mỗi kiểu, chắc là các bạn bè cùng trang lứa với tôi cũng có những hoàn cảnh riêng, tâm tư riêng. Nhưng tôi đoán chắc chúng tôi có suy nghĩ chung: chúng tôi như những hạt giống, may mắn được gieo trên một mảnh đất tốt, được vun trồng bởi những bàn tay ân cần của những người hết lòng vì thế hệ đi sau.