Tác giả : TS Phạm Thị Thanh Bình
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, 250 trang
Nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN chính thức đưa dịch vụ hậu cần vào danh mục 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập. ASEAN hy vọng hội nhập nhanh các lĩnh vực ưu tiên này sẽ tạo ra bước đột phá, tạo đà và tăng hiệu ứng lan toả sang các lĩnh vực khác.
Vậy hậu cần là gì? Tại sao phải hội nhập nhanh lĩnh vực dịch vụ hậu cần ? Lộ trình và các giải pháp để phát triển dịch vụ hậu cần của ASEAN như thế nào ?
Nhằm giúp bạn đọc hiểu biết rõ về lĩnh vực kinh tế hoàn toàn mới này ở Việt Nam, TS Phạm Thị Thanh Bình đã cho ra mắt cuốn sách « Phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) trong tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN ». Cuốn sách gồm 3 chương với nội dung như sau :
Chương 1. Thực trạng phát triển trước hội nhập của lĩnh vực dịch vụ hậu cần. Chương này đề cập đến những khái niệm và những đặc điểm cơ bản của dịch vụ hậu cần. Vai trò và lợi ích của dịch vụ hậu cần trong phát triển kinh tế ASEAN. Trong chương 1, tác giả phân tích thực trạng của phát triển dịch vụ hậu cần trước hội nhập (trước năm 2007), trong đó tác giả tập trung chủ yếu vào phân tích thực trạng phát triển giao thông vận tải và công nghệ thông tin viễn thông – 2 lĩnh vực chính trong dịch vụ hậu cần - và mức tăng trưởng chung dịch vụ hậu cần của ASEAN trong thế kỷ 21.
Chương 2. Yêu cầu của việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với lĩnh vực dịch vụ hậu cần. Tác giả phân tích những nhân tố thúc đẩy sự cần thiết phải hội nhập nhanh lĩnh vực dịch vụ hậu cần, trong đó nhấn mạnh và đi sâu phân tích nhân tố sức ép cạnh tranh từ bên ngoài của các nước Đông Bắc Á ( Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) buộc ASEAN phải đẩy mạnh hội nhập và hợp tác phát triển dịch vụ hậu cần. Chương 2, tác giả cũng đề cập đến các bước đã và đang thực hiện hội nhập của ASEAN trong từng lĩnh vực của dịch vụ hậu cần.
Chương 3. Phương hướng ưu tiên hội nhập nhanh lĩnh vực dịch vụ hậu cần và các giải pháp thực hiện. Chương này tác giả đề cập đến lộ trình ưu tiên hội nhập nhanh trong lĩnh vực hậu cần của ASEAN giai đoạn 2008 – 2015 và đưa ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển dịch vụ hậu cần ASEAN.
Phần kết luận, tác giả phân tích, rút ra ba chiến lược quan trọng trong phát triển dịch vụ hậu cần của Singapore - quốc gia có trình độ phát triển kinh tế đứng đầu ASEAN – và những bài học kinh nghiệm chung cho phát triển hệ thống hậu cần có hiệu quả của ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thông qua 250 trang sách với văn phong viết rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu tác giả đã trình bày khái quát những khái niệm cơ bản về dịch vụ hậu cần, thực trạng và vai trò của dịch vụ hậu cần trong phát triển kinh tế ASEAN. Và điều quan trọng là tác giả đã đưa ra được các giải pháp cần thiết để thúc đẩy nhanh hội nhập lĩnh vực dịch vụ hậu cần trong tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Cuốn sách thực sự là tài liệu bổ ích cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu chính sách và tất cả các bạn quan tâm đến phát triển kinh tế các nước trong khu vực.