Tác giả: Lưu Ngọc Trịnh
Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội 2010
Từ những năm 1980 và đặc biệt là sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời năm 1995, làn sóng hội nhập kinh tế khu vực lại bùng phát với nhiều biểu hiện mới về quy mô, mức độ và phạm vi địa lý. Riêng khu vực Đông Á (gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á) từ chỗ được coi là khoảng trống của liên kết khu vực, “chậm chân” trong làn sóng hội nhập kinh tế khu vực so với Tây Âu và Bắc Mỹ vào những năm 1970-1980 thì trong những năm gần đây đang có những chuyển biến khá mạnh theo hướng tăng cường liên kết kinh tế khu vực với hàng loạt thoả thuận thương mại tự do khu vực và song phương ra đời hoặc đang trong quá trình đàm phán mà đặc biệt chuẩn bị cho việc hình thành cộng đồng kinh tế toàn khu vực – Cộng đồng kinh tế Đông Á (EAEC).
Chính vì vậy, căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, cuốn sách (Cộng đồng kinh tế Đông Á - Những toan tính của các nước lớn” do PGS. TS. Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới là chủ biên, đề cập và lý giải sáu vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, những điều kiện cho sự ra đời của một cộng đồng kinh tế đã thực sự chín muồi chưa và kèm theo đó là các nước lớn trong khu vực đã thực sự nhiệt tình và có nhu cầu về một tổ chức như vậy chưa? Hay họ còn đang lưỡng lự trước việc có tham gia hay không, hay vẫn chỉ muốn tiếp tục đi theo con đường tự do hoá mậu dịch, tăng cường hợp tác mà không cần phải tham gia vào một tổ chức mang tính ràng buộc chặt chẽ?
Thứ hai, một cộng đồng như thế sẽ tác động như thế nào đối với nền kinh tế thế giới, khu vực và từng quốc gia thành viên nếu nó ra đời và phát huy tác dụng? Phải chăng nó chỉ mang lại những tác động thuận chiều đối với nền kinh tế khu vực và mỗi quốc gia, như những người đang ủng hộ nhiệt tình cho quá trình này thường ca ngợi hay ngược lại, nó chỉ gây ra những tác động tiêu cực cho mỗi nền kinh tế như những người phê phán nó thường cảnh báo?
Thứ ba, EAEC tương lai sẽ đi như thế nào, sẽ xuyên qua và là số cộng của FTA song phương hay ngay từ đầu đã là một FTA hay một khu vực ưu đãi thuế quan chung và phát triển thành một liên minh thuế quan và cuối cùng là một cộng đồng kinh tế với các cơ cấu chặt chẽ?
Thứ tư, vai trò của các nước lớn trong và ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ôtxtrâylia, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng như tổ chức khu vực ASEAN (đã có kinh nghiệm nhất định trong hội nhập khu vực và quốc tế) đến đâu và họ đang và sẽ có những toan tính gì? Một FTA và sau đó là một Cộng đồng kinh tế Đông Á cần được dẫn dắt bởi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay ASEAN.
Thứ năm, trong tiến trình hình thành các FTA song phương và khu vực cũng như cộng đồng kinh tế toàn khu vực trong tương lai như vậy, mỗi nước và nhóm nước sẽ có những chiến lược và bước đi như thế nào để đàm phán, ký kết, thực hiện cũng như tận dụng tốt những lợi thế mà các thể chế này sẽ mang lại, cũng như hạn chế được những bất lợi có thể của chúng? Bản thân mỗi nước và mỗi nền kinh tế sẽ vấp phải những khó khăn gì và cần phải giải quyết, cải cách cũng như cải tổ như thế nào cho phù hợp với một sân chơi chung toàn khu vực và sau nữa là toàn cầu để thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết và thực hiện có hiệu quả các FTA và xây dựng một cộng đồng kinh tế chung?
Thứ sáu, trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại song phương, đã đàm phán và ký kết được hàng loạt các hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt phải kể đến các hiệp định kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế lớn và là đối tác thương mại chủ chốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc...Trong bối cảnh bùng nổ các FTA song phương và khu vực hiện nay, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó vì nếu không tham gia, Việt Nam sẽ bị cô lập và gặp bất lợi cả về kinh tế lẫn chính trị (bị phân biệt đối xử trong quan hệ kinh tế, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, mất đi thị phần và đối tác, không mở rộng được quan hệ với những đối tác quan trọng..). Tuy vậy, với vị thế kinh tế hiện nay, cũng như từ thực tế và kinh nghiệm hội nhập của các nước trong khu vực và của bản thân, Việt Nam cần đi theo một lộ trình nào, bắt đầu bằng đối tác nào và bằng FTA khu vực hay song phương, Việt Nam cần triển khai những hoạt động gì để chuẩn bị cho việc đàm phán ký kết và tham gia có hiệu quả vào các FTA khu vực và xa hơn là vào EAEC?