THÔNG TIN - THAM KHẢO

 

 

Tọa đàm khoa học: “Ukraine trong chiến lược của các nước lớn và tác động”

                                 

Lời tòa soạn: Ngày 17/2/2022, tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ukraine trong chiến lược của các nước lớn và tác động”. Cho đến khi Tạp chí lên trang, tình hình căng thẳng đã biến thành xung đột vũ trang với việc ngày 24/2/2022 Tổng thống Nga V. Putin ra lệnh tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại lãnh thổ Ukraine. Quân đội Nga tấn công các cơ sở quân sự và các thành phố của nước này. Đã có nhiểu tổn thất về người và cơ sở vật chất ở cả hai phía. Mặc dù những diễn biến mới của cuộc xung đột là khó lường, song những phân tích, đánh giá tại cuộc tọa đàm vẫn có giá trị tham khảo đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của Việt Nam. Tòa soạn trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung chính của cuộc tọa đàm.



N

gày 17/2/2022, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Ukraine trong chiến lược của các nước lớn và tác động”. Tiến sỹ Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới và một số chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu về các vấn đề chính trị và an ninh quốc tế.

Trình bày báo cáo đề dẫn về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine cho đến trước ngày 17/02/2022, TS. Hoàng Thế Anh khái quát quan hệ giữa hai nước từ khi Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014 trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc hiện nay. Báo cáo nhấn mạnh tình trạng căng thẳng này không chỉ liên quan đến tình hình nội bộ giữa hai nước, mà còn liên quan đến khác biệt về chiến lược, quan điểm, chính sách, lợi ích của một số nước lớn, có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định ở Ukraine và châu Âu. Những căng thẳng ở Ukraine hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự và tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam. Báo cáo đưa ra một số nội dung để tập trung thảo luận.

Một là, mục tiêu, chiến lược của các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây trong vấn đề Ukraine.

Hai là, tác động của những căng thẳng Ukraine đến thế giới, khu vực và Việt Nam, tới chiến lược của các nước lớn đối với các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ xung đột như vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, biển Hoa Đông, biển Đông…

Ba là, đề xuất những kiến nghị đối với Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ với các nước lớn, các nước trong khu vực và ứng phó trước những tác động mà vấn đề khủng hoảng Ukraine mang lại.

Mở đầu phần thảo luận, PGS. TS. Lê Văn Cương, Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an điểm lại lịch sử quan hệ Nga - Ukraine và trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Người Nga và người nói tiếng Nga chiếm khoảng 20%, hầu hết sinh sống tại mười tỉnh phía đông, trong đó có hai tỉnh Donetsk và Luhansk[1]. Cho tới thời kỳ Liên Xô, bán đảo Crimea vẫn là một phần của lãnh thổ Liên bang Nga sau khi được Sa hoàng sáp nhập vào lãnh thổ Đế chế Nga năm 1783. Năm 1954, Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao của Liên Xô ban hành sắc lệnh trao tặng tỉnh Crimea cho Ukraine, khi đó là nước cộng hòa thuộc Liên Xô, như một “món quà”, nhân kỷ niệm 300 năm Ukraine trở thành một phần của Đế quốc Nga. Quyết định này được xem là vi hiến vào thời điểm đó khi nó không được thảo luận và thông qua tại Xô-viết Tối cao Liên bang, và cho tới nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi[2]. Do vị trí địa lý nằm giữa Nga và các nước Tây Âu, cả lịch sử và hiện đại, Ukraine luôn phải cân bằng giữa hai thế lực trên, song cũng không thể tách rời khỏi Nga.

Cùng nhận định trên, GS. TS. Hoàng Khắc Nam, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bổ sung, bán đảo Crimea luôn nằm trong chiến lược biển của Nga để vươn ra thế giới. Từ cuối thế kỷ XVII, nước Nga mới có thể tiến sang châu Âu nhờ Sa hoàng khai thông hai con đường biển chiến lược qua biển Baltic và biển Đen sau khi chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với hai đế quốc hùng mạnh khi đó là Thụy Điển và Ottoman. Chính vì vậy, việc sáp nhập và giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea có ý nghĩa chiến lược đối với bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế của Nga từ lịch sử tới hiện tại. 

Trở lại bối cảnh hiện nay, PGS. Lê Văn Cương cho rằng, bản chất của tình hình căng thẳng hiện nay là mâu thuẫn giữa phương Tây (bao gồm Mỹ, Tây Âu) và Nga trong việc đảm bảo an ninh của Nga và khu vực ảnh hưởng của Nga thời kỳ hậu Xô-viết. Những căng thẳng hiện tại giữa Nga và Ukraine là hệ quả tất yếu của mối đe dọa từ phía NATO khi tổ chức an ninh quân sự này mở rộng về phía Đông. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và hai tỉnh phía đông của Ukraine là Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai, nơi đa số là người dân tộc Nga và người nói tiếng Nga sinh sống. Trên trường quốc tế, Nga ngày càng có tiếng nói ảnh hưởng trước các vấn đề an ninh quốc tế như cuộc xung đột tại Syria hay đàm phán hạt nhân của Iran. Cùng với đó, quan hệ Nga - Trung Quốc trở nên chặt chẽ, nồng ấm hơn, trong khi Mỹ và các thành viên NATO châu Âu lại có những mâu thuẫn, rạn nứt. Mới đây nhất, Tuyên bố chung sau cuộc hội kiến giữa Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 nêu rõ “quan hệ giữa hai nước là không giới hạn”, điều đó có nghĩa là hai nước có thể tiến tới hình thành một liên minh. Đồng thời phía Trung Quốc công khai bày tỏ lập trường ủng hộ Nga, phản đối phương Tây trong vấn Ukraine. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trật tự thế giới đã chuyển dịch từ đơn cực sang đa cực với tam giác quyền lực Mỹ - Nga - Trung Quốc.

Các chuyên gia đã phân tích nhằm làm rõ mục tiêu, ý đồ chiến lược của các nước lớn trong vấn đề Ukraine, nguyên nhân của tình hình căng thẳng, thậm chí có thể dẫn tới xung đột quân sự. PGS. TSKH. Võ Đại Lược, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và Chính trị thế giới nêu ra ba nguyên nhân cơ bản: Một là, về dài hạn, lập trường kiên quyết của Nga yêu cầu NATO phải đảm an ninh của Nga và khu vực không gian hậu Xô-viết, không được kết nạp Ukraine vào NATO cũng như vào Liên minh châu Âu (EU). Việc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ để đối đầu Nga là một mối đe dọa rất nghiêm trọng, Nga không thể chấp nhận được. Nga cần một sự đảm bảo duy trì Ukraine là một quốc gia láng giềng thân thiện, hợp tác và trung lập. Nga cũng đưa ra đề xuất đảm bảo an ninh cân bằng cho cả Nga và châu Âu, nhưng Mỹ và NATO đã bác bỏ. Với sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế, trong đó có giá dầu đang ở mức cao - nhiên liệu mà châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn cung từ phía Nga - cho phép Nga có ưu thế trước những mối đe dọa trừng phạt của phương Tây; Hai là, Chính phủ mới thân phương Tây của Ukraine công khai thúc đẩy tiến trình gia nhập NATO và EU sau cải cách Hiến pháp năm 2019 và được nhiều thành viên chủ chốt của NATO và Mỹ ủng hộ mạnh mẽ[3], bỏ qua lằn ranh đỏ do Nga đặt ra trong quan hệ Nga và phương Tây; Ba là, cơ chế quản trị an ninh toàn cầu suy giảm trong hai thập niên vừa qua, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, gần đây nhất là những phản ứng, xử lý cuộc khủng hoảng tại Syria và đại dịch Covid-19.

Một nguyên nhân nữa là do nền kinh tế thế giới trong hơn một thập kỷ qua không ổn định, nên các tập đoàn công nghiệp quân sự phương Tây cổ vũ cho những xung đột tại các điểm nóng trên nhằm kích cầu và thu lợi nhuận. Thế giới sẽ còn diễn ra những điểm xung đột nóng mới chừng nào những tổ hợp này còn thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ (PGS. TSKH. Võ Đại Lược, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine).

Ông Phạm Hồng Tiến đưa ra nhận định:

-  Mỹ đang sử dụng Ukraine như một phép thử trong tập hợp lại lực lượng sau một thời gian các đồng minh truyền thống của mình bị chia rẽ dưới thời Tổng thống tiền nhiệm D. Trump, đồng thời thử thách vai trò của những đồng minh mới từ các nước Đông Âu;  Thông qua đối đầu với Nga, Mỹ muốn đánh giá mức độ và quy mô quan hệ Nga - Trung Quốc, là hai cường quốc lớn nhất thách thức vị trí số một của Mỹ; 

-  Về phía Nga và Trung Quốc, trong khi Nga muốn kiểm nghiệm quan hệ chiến lược toàn diện từ người láng giềng khổng lồ phía nam thì Trung Quốc đang lặng lẽ quan sát nhằm tìm kiếm những cơ hội cho chiến lược nâng tầm vị thế của mình. Mặt khác, có thể nước này sẽ đánh giá những hệ quả từ hai điểm xung đột chính nói trên nhằm rút ra những kết luận quan trọng phục vụ cho tham vọng về chủ quyền và lãnh thổ của riêng mình.

-  Các nước Tây Âu trong khi vẫn duy trì là những đồng minh gần gũi của Mỹ, thì muốn nhân cơ hội này để thử thách quan hệ đồng minh của riêng mình là Đức và Pháp sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Nhận định về tác động của khủng hoảng tới cục diện thế giới và khu vực, nhiều ý kiến cho rằng sau sự kiện này thế giới sẽ hình thành một cấu trúc mới của trật tự an ninh trong giai đoạn mới, trong đó sẽ có sự phân định giới tuyến rõ ràng hơn giữa một bên là Mỹ và Tây Âu với bên kia là Nga và Trung Quốc (Lê Văn Cương, Trần Khánh, Phạm Hồng Tiến, Nguyễn Trường Giang). Ngược lại, TS. Lê Đình Tĩnh cho rằng sự kiện này chưa thể làm thay đổi bản chất của hệ thống an ninh quốc tế cũng như chưa làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các chủ thể trong cấu trúc hiện tại. Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia về chính trị - an ninh thế giới, thì cho rằng đây là bước ngoặt để chấm dứt đối đầu giữa Nga và Ukraine, với việc Ukraine sẽ trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của Nga, hoặc ít nhất là từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO trong trung hạn.

Đối với khu vực, cơ bản các ý kiến cho rằng sự kiện sẽ làm củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa các thành viên NATO châu Âu với Mỹ. Mỹ đã đạt được một số kết quả trong việc lấy lại niềm tin của cử tri Mỹ về chính sách đối ngoại sau thất bại ở cuộc chiến Afganistan hay vai trò mờ nhạt trong xung đột ở Syria. Nước Đức theo đường lối thực dụng đã có được ảnh hưởng mới trong EU, củng cố một bước an ninh năng lượng của mình qua các ứng xử mềm dẻo trong khủng hoảng và với Nga.

Tác động của cuộc khủng hoảng này tới kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay sẽ tác động đến giá dầu trong ngắn hạn, với biến động theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh phải khắc phục sự suy giảm do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng, nhất là đối với các doanh nghiệp có liên quan[4]. Cùng với đó, Việt Nam cần chuẩn bị những phương án ứng phó trước những biện pháp cấm vận và phong tỏa thương mại của một số quốc gia đối với Nga.

Về chính trị an ninh, các nhận định đều cho rằng vấn đề sáp nhập Crimea và hành động của Nga tại khu vực ly khai của Ukraine và việc xích lại gần nhau hơn trong quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ có tác động tới an ninh tại một số điểm nóng trong khu vực như vấn đề Đài Loan và chủ quyền trên biển Đông.

Trên cơ sở những phân tích chủ đề của Tọa đàm, các nhà khoa học đã nêu ra một số khuyến nghị về lập trường và những ứng phó của Việt Nam trước tình hình leo thăng căng thẳng hiện nay tại Ukraine:

Thứ nhất, Việt Nam cần kiên trì lập trường chiến lược bốn không: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời ủng hộ các quy tắc trong quan hệ quốc tế, tôn trọng các công ước quốc tế về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng các biện pháp thông qua con đường ngoại giao và đối thoại.

Thứ hai, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, các bên liên quan cần bảo vệ tính mạng, tài sản của thường dân và các cơ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây là vấn đề mà Việt Nam đã đệ trình và được thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên.

Thứ ba, cần suy nghĩ nghiêm túc vấn đề Ukraine trong bối cảnh an ninh quốc tế và khu vực để có thể có những ứng phó trong chính sách đối ngoại phù hợp. Nga hiện là đối tác chiến lược của Việt Nam, song cũng không thể coi nhẹ vị trí của Ukraine trong quan hệ song phương. Vai trò của các chuyên gia quân sự Ukraine từng đã rất quan trọng trong đào tạo và sử dụng khí tài quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như hiện nay (GS. TS. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng).

Thứ tư, cần cảnh giác trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, có chính sách ứng phó phù hợp với những nước hiện áp đặt những tham vọng không có cơ sở pháp lý về chủ quyền tại những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, đồng thời cảnh giác với nguy cơ các thế lực bên ngoài kích động các hoạt động đòi ly khai ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc. TS. Lê Đình Tĩnh một lần nữa nhấn mạnh “hiện vẫn tồn tại xu hướng sử dụng vũ lực, bỏ qua các nguyên tắc và các định chế quốc tế, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, nhất là đối với các cường quốc mới nổi”.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu ý kiến mang tính tổng kết, đánh giá cao kết quả thực chất và kịp thời của Tọa đàm. Những kết luận chính là:

-  Buổi tọa đàm đã định vị được tầm quan trọng của vấn đề Ukraine tới cục diện chính trị - an ninh quốc tế tế hiện nay; Khẳng định Ukraine là ranh giới địa chính trị giữa Nga - Tây Âu và Mỹ;

-  Xét về cục diện và xu hướng hiện nay, vẫn không loại trừ khả năng các nước lớn sử dụng vũ lực quy mô nhất định để giải quyết vấn đề an ninh của mình;

-  Đã có những phân tích, nhận định xác đáng quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine, trong đó đáng chú ý là Chính phủ nước này đã lựa chọn đứng về phía đối tác mà Trung Quốc có lợi ích lớn hơn;

Tuy mới chỉ là những đánh giá bước đầu, nhưng buổi tọa đàm cũng gợi ý cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách có những suy nghĩ và định hướng nghiêm túc. Sự kiện này cũng mang lại những bài học có giá trị cho Việt Nam trong xử lý quan hệ với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới♦

 

 

Đào Việt Hưng

Tổng hợp


 



[1] Gần đây nhất, Tổng thống V. Putin khẳng định khi công bố sắc lệnh công nhân hai nhà nước ly khai trên: Ukraine “không chỉ là một nước láng giềng” của Liên bang Nga, mà còn là “một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa, là họ hàng và bằng hữu của chúng ta”.

[2] Xem thêm: Đoàn Phương. Chuyển Crimea cho Ukraine trong năm 1954: Ý chí tập thể hay cá nhân Khruchev? VietTimes website, thứ Tư, ngày 27/8/2021. Có tại: https://www.viettimes.vn/chuyen-crimea-cho-ukraine-trong-nam-1954-y-chi-tap-the-hay-ca-nhan-khrushchev-post149258.html. Truy cập ngày 20/2/2022.

[3] Dự luật sửa đổi Hiến Pháp được Quốc hội Ukraina thông qua ngay trong vòng đầu ngày 07/02/2019, theo đó, Hiến Pháp mới được ghi thêm câu « định hướng chiến lược của Ukraina nhằm trở thành thành viên thực thụ của Liên minh châu Âu và NATO », buộc hành pháp và tư pháp phải hành động theo chiều hướng này.

[4] Theo Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch hai chiều hai nước đạt khoảng 720 triệu USD, tăng xấp xỉ 50% so với năm trước đó, trong đó Việt Nam nhập siêu 30 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch hai chiều tăng khoảng 30% hàng năm.